Đại biểu Phạm Đăng Khoa (quận 3) hỏi dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (gọi tắt là nhà thi đấu Phan Đình Phùng) đến nay có thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) hay không?
Rà soát pháp lý để sử dụng tạm "đất vàng"
Trao đổi lại, ông Mãi chia sẻ: "Người dân thành phố mỗi lần đi qua Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng đều nhức mắt, còn tôi rất khó chịu việc này".
Theo ông Mãi, qua rà soát thành phố thấy có thể áp dụng chuyển tiếp để tiếp tục làm dự án này theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, thành phố vẫn muốn đánh giá lại với điều kiện quy hoạch hiện nay có cần phát triển dự án trung tâm thể dục thể thao tại vị trí này.
"Do mất thời gian đánh giá nên việc làm dự án bị chậm. Nếu sau đánh giá, thấy cần thiết phải làm thì có thể tiếp tục áp dụng hình thức BT để làm dự án. Thành phố cũng mong sớm triển khai hoàn thành dự án để có cơ sở vật chất phục vụ cho Hội khỏe Phù Đổng, các sự kiện thể dục thể thao về sau", ông Mãi nói.
Nói thêm về các vị trí đất công đắc địa đang bỏ trống, không sử dụng, chủ tịch UBND TP.HCM nói: "Không chỉ có vị trí trung tâm Phan Đình Phùng, ở quận 1, quận 3 còn rất nhiều vị trí đất vàng bị vướng các vụ án hoặc pháp lý chưa làm được dự án".
Theo ông Mãi, hiện nay thành phố đang rà soát lại pháp lý để làm sao sử dụng tạm các khu đất này. Khi xây dựng nghị quyết 98 về thí điểm chính sách, cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố có đưa nội dung cho phép thành phố được phép sử dụng tạm thời nhà đất công để tạo nguồn thu, nhưng sau đó không được xem xét.
"Vừa rồi thành phố cho sử dụng một số khu đất công làm nhà vệ sinh công cộng, nhiều người đặt vấn đề sao thành phố chơi sang. Thực tế, thành phố đã và đang tiếp tục vận dụng nghị quyết 98 và kết luận 14 để đề xuất giải pháp sử dụng tạm thời các khu đất công chưa làm dự án", ông Mãi cho hay.
Giải ngân vốn đầu tư công còn vất vả
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Văn Mãi cho biết năm 2023, ông kỳ vọng kết quả giải ngân có cải thiện, nhưng thực tế còn vất vả, chỉ mới dừng ở việc xoay xở ứng phó, chứ chưa có sự chủ động.
Phân tích thêm nguyên nhân, ông Mãi cho rằng các dự án triển khai trong kỳ trung hạn gần như là chuyển tiếp, hồ sơ pháp lý cần phải cập nhật, dẫn đến bị động về thời gian. Thời gian qua, thành phố đã thành lập các tổ công tác để thúc đẩy các dự án đầu tư công, kiểm tra hằng tháng, hằng tuần để gỡ dần các vướng mắc.
Bên cạnh đó, có một số chủ đầu tư chưa tập trung tháo gỡ vướng mắc, không phải chủ đầu tư nào cũng tích cực. Cuối năm nay, TP.HCM sẽ nêu trách nhiệm của từng chủ đầu tư, từng dự án để có hình thức xử lý phù hợp với kết quả.
Công tác giải phóng mặt bằng được TP.HCM thực hiện quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc tạo sự chuyển biến lớn, mang lại kết quả. Về kế hoạch đầu tư năm 2024, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao TP.HCM 75.000 tỉ đồng.
TP.HCM sẽ cân đối các nguồn để đảm bảo vốn đầu tư công, đây là nhiệm vụ nặng nề khi năm 2023 thành phố thu không đạt chỉ tiêu. Đồng thời phải tập trung các giải pháp để giải ngân số vốn lớn.
Hơn 700km vỉa hè, không phải chỗ nào cũng thu phí
Nói về đề án thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM thực hiện đề án nhằm góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Vừa rồi, HĐND TP.HCM đã thông qua mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. UBND thành phố đã chỉ đạo các quận huyện rà soát lại các tuyến đường để khai thác phù hợp.
“Thành phố có khoảng 700km đường nội thị có vỉa hè rộng từ 3m trở lên. Thành phố chọn lựa những đoạn nào có nhu cầu để khai thác một số hoạt động phù hợp, chứ không phải 700km này đều đi khai thác kinh doanh làm quán, làm chỗ giữ xe”, ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, thành phố sẽ vừa làm vừa điều chỉnh, chọn số địa phương đăng ký làm trước để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chia sẻ sang các địa phương khác.
Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình nêu dự án này là điển hình kém hiệu quả trong đầu tư công.