Sau vụ việc phá sản của một loạt ngân hàng nhỏ tại Mỹ hồi đầu năm, ngăn ngừa rủi ro đang là một vấn đề được giới chức ngân hàng khắp thế giới đặc biệt quan tâm. Sau nhiều năm nghiên cứu, các quy định theo tiêu chuẩn basel III đã bắt đầu được các nước áp dụng. Tuy nhiên tại Mỹ, một trong những thị trường ngân hàng lớn nhất thế giới, cuộc tranh luận trong việc áp dụng quy định mới vẫn đang rất nóng. Điều này đã được thể hiện trong phiên điều trần hôm qua của các CEO ngân hàng tại Thượng viện Mỹ.
Ngay từ ban đầu, phiên điều trần của các CEO ngân hàng đã trở nên nóng bỏng, khi những nhân vật quyền lực hàng đầu tại phố Wall liên tục khẳng định rằng, việc siết chặt quy định về vốn theo chuẩn basel III có thể buộc các ngân hàng lớn tăng vốn dự trữ lên đến 20%, gây ra một "cú đấm" mạnh vào ngành ngân hàng Mỹ, từ đó siết chặt nguồn vốn tín dụng của nền kinh tế số 1 thế giới nói chung. Quan điểm này đã được thể hiện qua phản ứng của họ với loạt câu hỏi của thượng nghị sĩ Mike Rounds.
"Tất cả những quy định mới được đề xuất đều không thể ngăn cản một cách hiệu quả những vụ sụp đổ như của ngân hàng Silicon Valley. Chúng sẽ gây ra tác động tiêu cực theo nhiều cách mà Cục Dự trữ Liên bang FED chưa thể lường trước, chi phí vốn tăng lên sẽ làm giảm lợi suất gửi tiết kiệm của hộ gia đình và kéo chi phí xây dựng hạ tầng như cầu đường hay bệnh viện tăng vọt", ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JP Morgan, nhận định.
Sau vụ việc phá sản của một loạt ngân hàng nhỏ tại Mỹ hồi đầu năm, ngăn ngừa rủi ro đang là vấn đề được giới chức ngân hàng khắp thế giới đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Các CEO cũng khẳng định, ngân hàng của họ hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn về vốn theo chuẩn basel III mà không cần phải áp quy định. Tuy nhiên, điều này không mấy thuyết phục với các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ Sherrod Brown đã lập tức đưa ra tuyên bố sau phiên điều trần.
"Các CEO ngân hàng luôn phản đối những quy định siết chặt yêu cầu vốn, giống như sau khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên những quy định như vậy đã góp phần quan trọng bảo vệ nền kinh tế, lao động và người đóng thuế của chúng ta, bằng cách ngăn việc các ngân hàng lớn tham gia kinh doanh rủi ro lớn mà không có đảm bảo. Trong khi các ngân hàng tối đa lợi nhuận thì mọi người dân sẽ phải chịu gánh nặng", Thượng nghị sĩ Sherrod Brown, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, cho biết.
Việc áp dụng quy định chuẩn basel III (Endgame) là bước cuối trong quá trình cải cách ngân hàng quốc tế, được giới chức các nước đồng thuận đưa vào thực hiện kể năm 2017. Tại Mỹ, FED là cơ quan chịu trách nhiệm áp dụng quy định này, tập trung vào các ngân hàng lớn có quy mô vốn từ 100 tỷ USD trở lên.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng Mỹ cũng đang liên tục vận động hành lang nhằm không đưa các quy định này vào thực thi, với lý do là các ngân hàng lớn đã có thừa năng lực về vốn, trong khi tiêu chuẩn mới gây ra nhiều khó khăn với hoạt động tín dụng và kinh doanh ngân hàng.
VTV.vn - Citigroup sẽ bỏ 5 cấp quản lý. US Bancorp (USB) cam kết giảm bảng cân đối kế toán để tránh các quy định nghiêm ngặt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.24673706170213202-ym-iat-gnah-nagn-naot-na-hnid-yuq-tahc-teis-ceiv-iac-hnart-gnon/et-hnik/nv.vtv