Tại kỳ họp Quốc hội kết thúc cuối tháng 11 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (từng là viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương) và giám đốc một số bệnh viện lớn đã lên tiếng về sự nhiêu khê thủ tục chuyển tuyến bảo hiểm y tế.
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12 này, Bộ Y tế cũng thừa nhận thủ tục này phức tạp nhưng khẳng định "vẫn phải giữ tránh xáo trộn hệ thống".
Nhìn lại các thủ tục để có thể chuyển tuyến bảo hiểm y tế, hiện chưa có hệ thống các quy định minh bạch để người dân có thể biết khi nào được chuyển, khi nào không, tình trạng thế nào thì dứt khoát phải chuyển...
Việc được chuyển hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan của bác sĩ và mức độ may rủi của người bệnh.
Do danh mục kỹ thuật/thuốc/vật tư được bảo hiểm y tế chi trả càng lên tuyến trên càng rộng hơn, mức độ nổi tiếng và tin cậy của bệnh viện tuyến trên cũng tốt hơn, người bệnh nào cũng có nhu cầu lên điều trị tại tuyến trên.
Nghịch lý là những năm gần đây bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí là tuyến huyện đổi mới nhiều, đầu tư thiết bị triển khai thêm kỹ thuật mới, cộng với việc phí khám chữa bệnh đã được cơ quan bảo hiểm tạm ứng từ trước, bệnh viện tuyến cơ sở thường có tâm lý giữ bệnh nhân.
Một bên muốn giữ, một bên muốn đi, trong khi quy định lại chưa minh bạch, muốn chuyển rất khó nhưng nhiều trường hợp lại… không khó, thành ra đã có cả đường dây "chạy" chuyển tuyến.
Đúng là để người bệnh đến bệnh viện nào họ muốn, bệnh viện nào chất lượng thì bệnh nhân vào, xóa bỏ giấy chuyển tuyến sẽ đẻ thêm bất cập mới, sẽ có bệnh viện vắng như chùa Bà Đanh và có bệnh viện quá tải không có đủ chỗ điều trị, từ đó sẽ nảy sinh vô số hệ lụy. Nhưng nếu cứ để như hiện hành thì người bệnh cũng bị "hành" cho ra bã khi cần chuyển tuyến.
Trong văn bản gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu ý kiến cần nghiên cứu, quy định áp dụng thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các trường hợp đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên sâu như ung thư, tâm thần, bệnh máu, các bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật, lao kháng thuốc, HIV.
Những trường hợp này hiện vẫn phải xin giấy chuyển tuyến lại mỗi năm, mà mỗi lần chuyển là một lần cam go.
Với những trường hợp bệnh mạn tính và đã chuyển nơi cư trú (nhưng hộ khẩu vẫn ở quê cũ), nên chăng xem xét cấp thẻ bảo hiểm hoặc cho phép khám chữa bệnh tại nơi ở mới, thay vì mỗi năm phải về quê một lần xin giấy chuyển tuyến với thủ tục khó khăn.
Bên cạnh đó là có quy định minh bạch về việc tuyến y tế cơ bản (quận huyện) điều trị bệnh gì và tuyến y tế chuyên sâu (tuyến tỉnh, trung ương) không điều trị danh mục gì, để việc chuyển tuyến được thuận lợi hơn, tránh xin - cho.
Đồng thời xem xét có giấy chuyển tuyến điện tử để người bệnh thuận lợi hơn, thay vì giấy chuyển tuyến bản cứng như hiện nay.
Hiện đã có trên 93% người dân tham gia bảo hiểm y tế, con số này sẽ còn tăng lên. Điều đó có nghĩa mỗi thay đổi về thủ tục, mỗi sự thuận lợi hơn của bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng đến từng người dân.
Thực tế có nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng hiệu quả sử dụng ít ỏi do thủ tục chuyển tuyến còn phức tạp, trong khi người bệnh đó có nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến y tế chuyên sâu và do danh mục thuốc của tuyến cơ bản còn hạn hẹp.
Làm sao để những người bệnh này sử dụng được thẻ, bảo đảm quyền lợi của người đã dành thu nhập nhiều chục năm để đóng phí bảo hiểm, đó chính là điều các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi nhất lúc này, chứ không phải vì khó lại cứ để khó kéo dài.
Thủ tục chuyển tuyến bảo hiểm y tế theo quy định mới nhất có gì thay đổi? Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được thanh toán ra sao?... Chuyên gia giải đáp chi tiết trên tuoitre.vn.