Phát biểu mở đầu chất vấn tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định: "Đây là chỉ tiêu rất cao, là thách thức rất lớn của TP. Tuy nhiên, các nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu TP phải tăng trưởng GRDP từ 8% mỗi năm, do đó TP.HCM đề ra để phấn đấu".
Dự án PPP phải nhanh gọn hơn đầu tư công
Kịch bản TP.HCM lựa chọn là thách thức khi nhiều chuyên gia dự báo tình hình kinh tế, xã hội sẽ còn chịu nhiều biến động, khó khăn hơn năm 2023 trong khi năm 2023, GRDP của TP.HCM cũng chỉ ước đạt 5,81%.
Với nhiều điểm nghẽn, vướng mắc của khối đầu tư tư nhân, động lực cho tăng trưởng năm sau tập trung lớn vào các cơ chế, chính sách đột phá nhằm đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công.
Cùng với đó đẩy nhanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về doanh nghiệp, đất đai, nhà ở xã hội, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...
Chất vấn chủ tịch UBND TP, đại biểu Lê Minh Đức (phó Ban Pháp chế) đặt vấn đề về giải pháp của TP đẩy nhanh việc triển khai bốn chương trình phát triển TP đang gặp khó khăn, chưa tạo đột phá, đặc biệt là về hạ tầng.
Trả lời, ông Mãi cho biết TP có 49 đề án lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến nay mới cụ thể hóa 45 đề án, 1 đề án dừng lại và 3 dự án chưa thực hiện. Các đề án trên chậm, gặp nhiều khó khăn, chưa đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng. Chính sách thu hút nguồn lực xã hội để triển khai các đề án cũng chưa tốt.
"Hai năm còn lại với nguồn lực ngân sách vừa phải, TP sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư về hạ tầng, giao thông, đô thị, đặc biệt là hạ tầng số", ông Mãi nói.
Nguồn lực cho dự án công hạn chế, cử tri đặt câu hỏi về giải pháp của TP tháo gỡ khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Về việc này, ông Mãi thừa nhận việc kêu gọi đầu tư 197 dự án PPP hiện chưa đạt, việc chuẩn bị thiếu đồng bộ, còn những kẽ hở. Có những dự án thấy có nhu cầu và nêu ra mà chưa rà soát quy hoạch, xem có phù hợp quy hoạch không, đất đai sẵn có hay không, các điều kiện pháp lý khác ra sao... nên khi nhà đầu tư tìm hiểu sâu mất rất nhiều thời gian.
Nếu muốn làm phải điều chỉnh quy hoạch, giải quyết thủ tục đất đai trong khi các cơ chế cho nhà đầu tư chưa chuẩn bị kịp.
Ông Mãi cho hay TP đang đánh giá lại những dự án đủ điều kiện quy hoạch, đất đai, thủ tục sẽ giữ lại, còn dự án nào chưa đạt sẽ phải chuẩn bị thêm. Theo ông Mãi, chủ trương rất đúng nhưng quá trình triển khai kéo dài và trong quá trình đó pháp lý thay đổi nên nhiều dự án vướng mắc kéo dài. Do đó cần chuẩn bị kỹ quy trình, hồ sơ.
"Riêng nhóm 41 dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa thể thao, y tế trình tại kỳ họp HĐND TP lần này, UBND TP đã tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch và các cơ chế theo nghị quyết 98. Việc này nhằm để triển khai các dự án PPP phải nhanh gọn hơn đầu tư công. Tập trung những dự án có thể làm ngay, dứt điểm sớm", ông Mãi nhấn mạnh.
Nêu trách nhiệm từng chủ đầu tư làm giải ngân vốn chậm
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đến nay theo báo cáo của UBND TP.HCM khoảng 51% nên đại biểu chất vấn ông Phan Văn Mãi về kế hoạch, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt hiệu quả.
Thông tin thêm, giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết đến ngày 6-12, TP đã giải ngân 35.100 tỉ đồng, đạt 51,2% trong tổng số vốn được giao.
Phân tích những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, bà Mai cho rằng có việc chưa tính toán kỹ kinh phí giải phóng mặt bằng khiến số vốn này còn dư 5.400 tỉ đồng. Một số dự án vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, số vốn chưa giải ngân còn khoảng 5.600 tỉ đồng.
Riêng về dự án chống ngập vẫn còn 5.700 tỉ đồng chưa giải ngân, hiện vướng mắc thuộc thẩm quyền trung ương giải quyết. UBND TP đã có báo cáo, kiến nghị các cơ quan trung ương hướng dẫn giải pháp thực hiện.
Các nhóm khó khăn, vướng mắc này khiến 16.900 tỉ đồng hiện nay chưa thể giải ngân, chiếm khoảng 25% kế hoạch vốn được giao năm 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Từ thực tế này, ông Mãi thẳng thắn nhìn nhận: "Năm nay dù TP.HCM kỳ vọng có cải thiện về giải ngân đầu tư công nhưng vẫn còn vất vả, phải nói là xoay trở, ứng phó chứ chưa có sự chủ động".
Theo ông Mãi, việc giải ngân vốn chậm do các dự án chuyển tiếp, hồ sơ pháp lý phải cập nhật, dẫn đến bị động. Thời gian qua, TP đã thành lập các tổ công tác để thúc đẩy các dự án đầu tư công, kiểm tra hằng tháng, hằng tuần để gỡ dần các vướng mắc.
Bên cạnh đó, có một số chủ đầu tư chưa tập trung tháo gỡ vướng mắc, không phải chủ đầu tư nào cũng tích cực. Cuối năm nay, TP.HCM sẽ nêu trách nhiệm của từng chủ đầu tư, từng dự án để có hình thức xử lý phù hợp với kết quả.
Cuối tháng này, TP.HCM sẽ có vắc xin 5 trong 1
Đại biểu Trần Hoàng Danh nêu thực trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng cho trẻ và đề nghị có giải pháp tháo gỡ. Trả lời, giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng cho rằng vấn đề này là nỗi lo lắng của ngành y tế TP nhiều tháng nay.
Hiện hầu như các vắc xin đều hết, vắc xin uốn ván đến giữa tháng 12 sẽ hết và vắc xin viêm não Nhật Bản đến giữa tháng 1-2024 sẽ hết. Nếu tình trạng thiếu vắc xin kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tái phát dịch bệnh, nhất là sởi, ho gà...
Bộ Y tế cho biết cuối tháng 12 sẽ phân bổ lại một số loại vắc xin. Trước mắt vắc xin 5 trong 1 đã về đến Việt Nam, đang trong thời gian kiểm định, cuối tháng sẽ được phân bổ cho TP với số lượng hạn chế.
Về vấn đề biên chế, giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho hay TP.HCM vẫn đeo bám kiến nghị được tự chủ về biên chế. Theo đó, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP số lượng biên chế năm 2024 tiếp tục giữ nguyên như năm 2023 là gần 13.700 biên chế.
Tuy nhiên, quy định của Ban Tổ chức Trung ương về giao biên chế năm 2023 cho TP.HCM thì con số này vẫn là 7.134 người. Do đó, TP.HCM vẫn đeo bám kiến nghị được tự chủ về biên chế như chủ tịch UBND TP.HCM đã có ý kiến đối với Trung ương rằng TP cần bố trí đủ chứ không cần bố trí dư biên chế.
Về việc bố trí biên chế là 52 phó chủ tịch cho phường, xã đông dân, ông Nhân cho biết phải thực hiện đúng theo quy định giao biên chế của Ban Tổ chức Trung ương. Do đó, Sở Nội vụ đang phối hợp các cơ quan tham mưu Ban Cán sự Đảng kiến nghị Trung ương việc bố trí 52 phó chủ tịch này.
Dự kiến tháng 12, Ban Tổ chức Trung ương sẽ làm việc với Thường trực Thành ủy TP về biên chế TP, ghi nhận và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về biên chế nhằm xem xét biên chế cho TP.
Không có chức danh nào phải "xin từ chức" hay bỏ phiếu lại
Tại kỳ họp này, tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Nguyễn Văn Nam có số phiếu tín nhiệm cao bằng với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cùng 73 phiếu. Giám đốc Công an TP Lê Hồng Nam là người có phiếu tín nhiệm cao đứng thứ ba (với 71 phiếu).
Tính riêng năm chức danh của HĐND TP.HCM, phiếu tín nhiệm tập trung hầu hết ở mức tín nhiệm cao và tín nhiệm. Có bốn chức danh số phiếu tín nhiệm thấp là 2 và một chức danh có 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Trong khi đó, ở các chức danh UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi và Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu đều có 69 phiếu tín nhiệm cao cao nhất. Riêng các chức danh ủy viên UBND TP, chênh lệch số phiếu tín nhiệm cao giữa các chức danh thấy rõ.
Trong khi người có phiếu tín nhiệm cao nhất là 73 phiếu (tư lệnh Bộ Tư lệnh TP) thì người có phiếu tín nhiệm cao thấp nhất là 44 phiếu (giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã, trưởng Ban Dân tộc TP Huỳnh Văn Hồng Ngọc và giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Trần Thế Thuận).
Trong khi đó, người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất là 13 phiếu (giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai). Ở nhóm chức danh này, số phiếu tín nhiệm của từng người cũng có chênh lệch lớn.
Tuy nhiên, với kết quả phiếu tín nhiệm của HĐND TP.HCM, không có chức danh nào thuộc diện phải "xin từ chức" hay phải bỏ phiếu tín nhiệm lại.
Nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM là rất lớn nhưng số lượng nhà ở đang xây dang dở hoặc đã hoàn thiện mà chưa có người ở cũng rất cao.