Hãng tin CNN cho hay tiến sĩ Joan Donovan của trường đại học Harvard đã cáo buộc ban điều hành nhà trường "trù dập" mình trước áp lực đồng tiền của Mark Zuckerberg.
Cụ thể, bản cáo trạng của tiến sĩ Joan gửi lên Bộ giáo dục và Tổng chưởng lý bang Massachusetts cho thấy trường Harvard đã thực hiện hành vi đóng cửa dự án của bà vì không hài lòng về nghiên cứu tác hại kỹ thuật số trên mạng xã hội, bao gồm cả Facebook.
Điều trùng hợp là quyết định này được đưa ra khi nhà trường nhận được khoản tiền quyên góp kỷ lục 500 triệu USD từ Mark Zuckerberg.
Trù dập?
Theo tờ Washington Post, bà Joan là giám đốc nghiên cứu của dự án chuyên điều tra tác hại của các thông tin sai lệch trên nền tảng mạng xã hội. Dự án này đã huy động được hàng triệu USD tài trợ và tiến sĩ Joan từng ra làm chứng trước Nghị viện về các vấn đề liên quan.
Chính bà Joan cũng thường xuyên được mời lên truyền hình để nói về các tập đoàn Internet thu lợi như thế nào từ việc truyền bá những thông tin sai lệch gây chia rẽ trong xã hội.
Thế nhưng vào năm 2022, trường Harvard đã quyết định kết thúc dự án của tiến sĩ Joan cũng như đề nghị bà dừng gây quỹ.
Đến năm 2023, ban điều hành nhà trường đã quyết định không ký thêm hợp đồng bổ sung nào khác hay thuyên chuyển vị trí mới cho tiến sĩ Joan, buộc nhà nghiên cứu này phải chuyển sang trường đại học khác.
Xin được nhắc rằng dù không chính thức sa thải và vẫn còn hợp đồng đến cuối năm 2024 nhưng Harvard đã tước quyền xây dựng các dự án mới của tiến sĩ Joan, cấm huy động tiền hoặc tổ chức các sự kiện học thuật khác của bà.
Thậm chí ngôi trường này vẫn giữ nguồn tiền quyên góp mà bà Joan đã kêu gọi được, bao gồm hơn 1 triệu USD từ nhà sáng lập Craig Newmark, vốn từng nêu rõ chỉ muốn dùng số tiền này cho dự án của tiến sĩ Joan.
Theo Washington Post, động thái này của trường đại học Harvard khiến rất nhiều đồng nghiệp cùng ngành với bà Joan cảnh giác khi vị tiến sĩ này được coi là người tiên phong trong lĩnh vực nhạy cảm chống lại quyền lực của các ông lớn ngành công nghệ như Facebook.
Bản cáo trạng dài 248 trang của bà Joan cho thấy trường Harvard đã bắt đầu giới hạn các nghiên cứu và dự án của vị tiến sĩ này kể từ khi quỹ Chan Zuckerberg Initiative của nhà sáng lập Mark Zuckerberg thực hiện quyên góp 500 triệu USD cho một quỹ chuyên phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo.
Quỹ Chan Zuckerberg được thành lập bởi Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan, đều là những cựu sinh viên của trường đại học Harvard.
Chỉ 10 ngày sau cuộc quyên góp, trường Harvard đã nêu lên các nghi vấn về dự án của tiến sĩ Joan cũng như siết chặt quản lý, tiến tới đóng cửa dự án. Sau đó nhà trường đã chấm dứt hợp đồng với vai trò là giám đốc dự án của bà Joan trước thời hạn so với cam kết trước đó. Dẫu vậy, vị tiến sĩ này vẫn là giảng viên hợp đồng bán thời gian của Harvard.
Sự phản bội
Ở hướng ngược lại, phía trường Harvard lại phản đối mạnh mẽ những cáo buộc của tiến sĩ Joan.
"Những cáo buộc về sự can thiệp của nhà tài trợ là sai sự thật. Câu chuyện của bà Joan chứa nhiều điều không chính xác và những lời bóng gió vô căn cứ, đặc biệt là giả thuyết rằng trường Harvard đã đồng ý để Facebook tiếp cận các dự án nghiên cứu của bà Joan", người phát ngôn James Francis Smith của trường Harvard nói.
Ngôi trường danh tiếng này cho hay để duy trì tiêu chuẩn học thuật thì tất cả các dự án nghiên cứu tại Harvard cần được dẫn dắt bởi các giảng viên, nhưng tiến sĩ Joan lại chỉ là nhân viên tạm thời (Staff Member) chứ chưa phải giảng viên (Faculty Member) của nhà trường.
Phía Harvard cho biết khi giảng viên chính thức dẫn đầu dự án này rời đi, nhà trường đã cố gắng tìm kiếm người thay thế nhưng không thành công và quyết định cho dự án tồn tại hơn 1 năm trước khi đóng cửa.
Trường Harvard cũng không sa thải bà Joan và các thành viên cũ của dự án đã được thuyên chuyển sang những nhiệm vụ khác. Ngôi trường đã cho tiến sĩ Joan được "trợ giảng bán thời gian" nhưng vị cựu giám đốc dự án này đã từ chối.
Mặc dù vậy, giải thích của nhà trường không thuyết phục được giới học thuật khi đóng cửa dự án của tiến sĩ Joan nhưng cũng không ký thêm bất kỳ hợp đồng tuyển dụng mới cho vị trí khác nào với vị tiến sĩ này.
"Đây là hành vi phản bội gây sốc về tính liêm chính trong học thuật của trường Harvard đối với lợi ích cộng đồng", giám đốc điều hành Libby Liu của Whistlebutter Aid, nhóm phi lợi nhuận đã làm việc với Frances Haugen trong vụ tố cáo Facebook, lên tiếng.
Giáo sư Lawrence Lessig của trường luật Harvard cho biết quan điểm phân biệt giảng viên chính thức và nhân viên bán thời gian với tiến sĩ Donovan là không phù hợp. Tiêu chuẩn trên chỉ nên giới hạn ở các công việc truyền thống như không áp dụng cho mảng nghiên cứu hay giảng dạy khác.
Vào tháng 8/2023, bà Joan cho biết có thể sẽ gia nhập trường đại học Boston dưới vai trò trợ giảng, qua đó chấm dứt hợp đồng với trường Harvard. Vị tiến sĩ này cho biết mình buộc phải ra đi khi trường Harvard đã không còn hỗ trợ cho các nghiên cứu chống lại tác hại của mạng xã hội.
Cai gai trong mắt
Hãng tin CNN cho hay những khoản quyên góp của Chan Zuckerberg với Harvard được tiến hành ngay sau vụ bê bối Haugen.
Chuyên gia khoa học dữ liệu Frances Haugen từng làm việc cho Facebook đã ra làm chứng, điều trần trước Nghị viện Mỹ, qua đó cáo buộc mạng xã hội lớn nhất thế giới theo đuổi lợi nhuận thay vì an toàn của người dùng.
Vụ bê bối này đã khiến Mark Zuckerberg trở thành tâm điểm chỉ trích và khiến người dùng quay lưng với Facebook.
Ngay sau khi các tài liệu của Haugen được công bố với cái tên "Facebook Paper", chính tiến sĩ Donovan là người đã nỗ lực đưa chúng đến với các cơ quan có thẩm quyền, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà hoạch định chính sách để có chế tài với Facebook.
Do đó, việc tiến sĩ Joan bị ép rời đi đã gây phẫn nộ trong cộng đồng học thuật. Bản thân bà Joan cũng không tiết lộ vấn đề cho tới thời gian gần đây. Thậm chí bản cáo trạng này được Whistlebutter Aid gửi thay mặt tiến sĩ Joan.
"Trước đây chúng ra đã chứng kiến sự lộng hành của các tập đoàn vận động hành lang bảo kê ngành thuốc lá, xăng dầu và dược phẩm đã phá hoại các nghiên cứu học thuật gây bất lợi cho họ như thế nào. Họ làm vậy để bảo vệ sự dối trá và lợi nhuận khổng lồ, đồng thời trốn tránh trách nhiệm mình gây ra", giám đốc Liu nói.
"Giờ đây Meta cùng những đồng minh hùng mạnh của mình cũng đi theo đúng vở kịch đó. Cho dù trường Harvard có làm theo chỉ đạo của Meta hay tự mình chủ động bảo vệ lợi ích đồng minh thì kết quả đều như nhau: Đó là lợi ích của công ty đang làm suy yếu tự do nghiên cứu học thuật, gây bất lợi cho công chúng", bà Liu bổ sung.
Vụ việc của tiến sĩ Joan diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều chuyên gia giới học thuật cáo buộc các tập đoàn công nghệ dùng tiền bạc dưới danh nghĩa quyên góp để gây ảnh hưởng hay đàn áp những nghiên cứu có lợi cho cộng đồng như bất lợi về phía công ty.
*Nguồn: Washington Post, CNN