Mức tăng trên là rất khả quan và dư địa cho hạt gạo gia tăng giá trị vẫn còn rất lớn khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể kéo dài đến hết tháng 2 năm sau.
Ngoài ra, Indonesia, Trung Quốc, Philippines vẫn có nhu cầu thu mua gạo dự trữ cao. Giá gạo Việt Nam vì thế tiếp tục tăng mạnh, hiện lên đỉnh mới là 663 USD/tấn và là mức cao nhất thế giới hiện nay. Đây là một thông tin vui cho người trồng lúa.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thì việc giá lúa tăng cao cũng đang tác động không nhỏ đến đời sống và thị trường. Trước mắt là các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng lúa gạo.
Giá lúa hiện tại hơn 9.000 đồng/kg - giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá thu mua vào tại các doanh nghiệp cũng đang ở mức như thế. Điều này buộc các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải tìm mọi cách để thích ứng.
"Giai đoạn khó khăn nhất là tháng 7, tháng 8, giá biến động quá nhanh, một ngày có thể tăng 2 - 3 lần. Các doanh nghiệp không lấy được hàng, phải giao hợp đồng, mua mới thì thua lỗ rất nặng nhưng sau thời gian đó giá không tăng đột biến", ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, Đồng Tháp cho biết.
Doanh nghiệp gặp khó vì giá lúa gạo cao. Ảnh minh họa.
Đối với những doanh nghiệp đã có thương hiệu, có đơn hàng với các thị trường cao cấp, quá trình thích ứng cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu ở các thị trường truyền thống đang đối mặt nhiều khó khăn.
Sau khoảng 4 tháng tăng liên tục, giá gạo hiện nay cao khoảng 40% so với cùng kỳ, tức bình quân tăng hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Tác động tăng giá gạo trong nước
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù nguồn cung của doanh nghiệp cho thị trường nội địa vẫn đảm bảo và không có gì đột biến. Nhưng do nhu cầu thế giới tăng cao, thương lái đua nhau thu gom, đẩy giá lúa trong dân lên cao cộng với chi phí sản xuất khiến giá gạo tăng.
Những ngày qua, các đại lý bán lẻ đồng loạt tăng 1.000 - 1.500 đồng một kg so với tháng trước, đưa giá gạo trong nước lên mức kỷ lục.
Tại các hệ thống siêu thị ở khu vực trung tâm, nhiều loại gạo cũng tăng thêm 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có gạo Ngọc Nương truyền thống, ST25 cam kết giữ giá đến cuối năm. Trước sức ép giá gạo tăng nhanh, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ gạo cũng chịu ảnh hưởng.
Giải pháp bình ổn giá gạo trong nước
Nhiều chuyên gia cho rằng, với những lo ngại về sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino, giá gạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trong những tháng tiếp theo. Trước xu hướng này, bài toán bình ổn giá gạo trong nước sẽ phải như thế nào?
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Để đảm bảo hài hòa lợi ích của xuất khẩu và thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có chỉ thị giao nhiệm vụ cho các Sở Công Thương, đơn vị thuộc Bộ, hiệp hội, doanh nghiệp theo dõi sát sao tình hình, đảm bảo cung ứng hàng hóa thị trường trong nước phù hợp với tình hình sản xuất cũng như tiến độ về mặt xuất khẩu. Đặc biệt, giai đoạn Tết Nguyên đán sắp tới đảm bảo không bị thiếu nguồn cung giá gạo cũng như duy trì giá gạo bình ổn trên thị trường".
ĐBSCL đang xuống giống vụ Đông Xuân - vụ quan trọng nhất trong năm và chỉ khoảng hơn 3 tháng nữa là Việt Nam sẽ trở thành nguồn cung gạo quan trọng cho thế giới. Việc cân bằng giữa lợi ích xuất khẩu và ổn định giá gạo trong nước sẽ là trách nhiệm đặt ra cho Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
VTV.vn - Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tuần qua tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng nhờ nhu cầu mạnh mẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.6054331180213202-oac-oag-aul-aig-iv-ohk-pag-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv