Khi đầu tư xây dựng, Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi từng được kỳ vọng đào tạo 32 nghề cho 1.200 học viên.Không tuyển được học viên, Trung tâm hoành tráng giờ bỏ hoang, thành nơi nuôi gà.
Dù được chuyển giao cho Trung tâm Chính trị huyện Trà Bồng sử dụng tránh lãng phí nhưng không hết công năng, nhiều khối nhà vẫn bỏ hoang, xuống cấp.
Trung tâm dạy nghề chục tỉ thành nơi... nuôi gà
Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng được Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đầu tư khoảng 32 tỉ đồng xây dựng. Tháng 9-2013, Trung tâm dạy nghề này được đưa vào giảng dạy. Mục tiêu đào tạo nghề cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.
Trung tâm được phép đào tạo khoảng 32 nghề khác nhau, với tổng số học viên khoảng 400 em/khóa (ba tháng) và 1.200 em/năm. Dù được phép đào tạo số lượng học viên rất lớn nhưng hoạt động hiệu quả nhất là ba năm đầu tiên, với tổng số học viên đào tạo gần 1.450 người.
Dẫu vậy, số học viên trực tiếp đến trường học nghề chỉ khoảng 400 học viên. Số lượng học viên nghề năm sau luôn thấp hơn năm trước (năm 2013 đào tạo 606 học viên, năm 2014 đào tạo 552 học viên, năm 2015 đào tạo 294 học viên).
Càng về sau, trung tâm càng ít học sinh và không tuyển được. Nhà xưởng, phòng học, thiết bị dạy nghề... trong tình trạng bụi phủ, nhện giăng.
Thế là, trung tâm có diện tích gần 11.000m2, bao gồm 11 phòng dạy lý thuyết, 4 nhà xưởng thực hành, khu nội trú đảm bảo nơi ở cho khoảng 250 học viên với trang thiết bị đầy đủ trở thành điểm bỏ hoang.
Hiện tại, các dãy nhà như khu ký túc xá khoảng 25 phòng, dãy nhà xưởng thực hành, căng tin bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Những mảng tường bong tróc, rêu phủ, mái la phông dãy ký túc xá đổ sập.
Một phòng ký túc xá giờ biến công năng thành nơi nuôi gà. Nhìn phân và thức ăn phủ khắp sàn nhà, có thể thấy việc nuôi gà đã diễn ra trong thời gian dài.
Cố gắng xử lý nhưng vẫn lãng phí
Nguyên nhân không thu hút được học viên khiến trung tâm được đầu tư tiền tỉ phải nằm trong cảnh hoang vắng do nhiều ngành nghề không phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương.
Ở miền núi không thể đưa vào các nghề gò hàn, điện được mà phải áp dụng thực tế là nông nghiệp, lâm nghiệp, dù đào tạo được cũng khó kiếm đầu ra.
Tháng 5-2015, trước cảnh không học viên, chính quyền huyện Trà Bồng và các sở ngành họp bàn và quyết định sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Trà Bồng với Trung tâm dạy nghề này thành Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề, cơ quan chủ quản cũng chuyển từ huyện Trà Bồng sang Sở Giáo dục đào tạo.
Dù cố gắng xử lý nhưng "không ăn thua", khối nhà hoành tráng vẫn vắng hoe người học. Sau đó, Sở Giáo dục đào tạo giao lại cho UBND huyện Trà Bồng quản lý.
Ông Đỗ Đình Phương, phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết dù làm nhiều cách nhưng Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng vẫn hoạt động không hiệu quả. Năm 2022, huyện đã bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất, khuôn viên cho Trung tâm Chính trị huyện Trà Bồng sử dụng.
Theo ông Phương, Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng 3 năm liền không tuyển được hệ bổ túc, còn giáo dục nghề nghiệp không mở được lớp vì không liên kết được với các trường.
Ông Phương nói "Chức năng của huyện không thể mở các lớp từ trung cấp trở lên, nên phải liên kết với các trường dạy nghề dưới tỉnh nhưng họ không thể lên huyện dạy được".
Khi chuyển giao cơ sở vật chất cho Trung tâm Chính trị huyện Trà Bồng, UBND huyện cũng quyết định giải thể Trung tâm dạy nghề vì... không có học viên.
Trung tâm Chính trị huyện Trà Bồng tiếp nhận nhưng cũng không sử dụng hết khuôn viên 11.000m2 với những khối nhà bề thế.
Vì vậy, chỉ khối nhà chính và một vài phòng ở các khối nhà phụ được sử dụng, còn lại vẫn bỏ hoang.
Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi có số phận long đong kỳ lạ. Vòng luẩn quẩn "đầu tư, đắp chiếu, chuyển giao, xin trả, tiếp nhận" lại bắt đầu. Những rắc rối mới cũng phát sinh.