Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ quy định: Các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, dịch vụ ăn uống theo chuỗi không được xuất hóa đơn cuối ngày mà phải xuất theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Theo đó, đơn hàng có giá trị nhỏ 5.000 - 7.000 đồng cũng phải xuất hóa đơn điện tử ngay sau khi bán hàng.
Ủng hộ xuất hóa đơn điện tử theo từng lần mua hàng
Bạn đọc Há Cảo ủng hộ xuất hóa đơn điện tử ngay sau khi bán hàng vì lợi rất nhiều đường: "Hàng hóa đã tính thuế VAT rồi thì phải xuất hóa đơn. Tránh thất thoát thuế. Tránh tình trạng hàng gian hàng giả. Cơ quan nhà nước kiểm soát được nguồn hàng. Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi mua hàng.
Giảm tình trạng thanh toán tiền mặt, hạn chế việc rửa tiền. Đặc biệt là người dân sẽ hình thành thói quen quản lý tài chính vì hằng tháng sẽ có thói quen kiểm tra chi tiêu thông qua tổng hợp hóa đơn (qua tài khoản ngân hàng)".
Đồng tình, bạn đọc Anh Nguyễn cho rằng "đây cũng là một cách để mỗi người dân thể hiện trách nhiệm xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch.
Hiện nay hàng giả, hàng nhái rất nhiều, gây hại cho người tiêu dùng cả về vật chất, tiền bạc và sức khỏe nhưng Nhà nước chưa thể quản lý hết (biết bao nhiêu vụ học sinh, trẻ em bị ngộ độc vì ăn phải đồ ăn không rõ nguồn gốc...).
Nếu áp dụng quy định trên thì những hàng hóa nhập lậu và không có nguồn gốc rõ ràng sẽ không thể lộng hành nữa. Bên cạnh đó Nhà nước cũng sẽ có thêm một nguồn thu đáng kể để an sinh xã hội và nhiều hoạt động khác".
Theo bạn đọc tien****@gmail.com: "Việc này hết sức cần thiết và không tốn quá nhiều chi phí. Thực tế không cần nhiều thiết bị máy móc, và phần mềm hiện cũng sử dụng theo dịch vụ, xài tới đâu trả tới đó với giá rẻ. Việc áp dụng hóa đơn này tạo tính cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng, tránh thất thu thuế".
Đơn cử lợi ích cụ thể, bạn đọc Đức Thành đề nghị các hiệu thuốc cần xuất hóa đơn sau mỗi lần bán hàng để quản lý việc bán thuốc kháng sinh, thuốc yêu cầu cần đơn bác sĩ.
Ủng hộ, bạn đọc Ngọc Thành chia sẻ thêm: "Được vậy càng tốt, dược sĩ bán khỏi áy náy lương tâm khi mấy ông thần vào đòi mua kháng sinh như mớ rau ngoài chợ, dược sĩ giải thích không thèm nghe, mà không bán thì mất khách, lấy gì ăn? Quản lý hóa đơn chặt, công bằng và minh bạch, nhà thuốc tôi đây rất hoan nghênh".
Cần giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh nhỏ lẻ
Nhiều bạn đọc gợi ý những giải pháp để nhanh chóng thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng, giúp giảm chi phí cho cửa hàng và tạo thuận lợi cho người mua hàng.
Bạn đọc Thủy còn chút băn khoăn: "Việc làm này rất đúng đắn nhưng không nên áp dụng trong thời điểm này. Hiện nay kinh tế khó khăn, làm ăn buôn bán thất bát, nhiều hoạt động kinh doanh bị đình trệ, các đơn vị và người dân buôn bán nhỏ lẻ càng khó khăn hơn.
Nếu thực hiện quy định này thì khó khăn chồng chất khó khăn. Cần chọn thời điểm thích hợp để thực hiện".
Và bạn đọc Ly Viet có ý kiến: "Quy định là đúng rồi và cần có sự hỗ trợ về kinh phí, phương tiện, cách làm cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, để giúp họ chuyển đổi cả về tư tưởng lẫn cách làm. Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực, còn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ khó khăn hơn nhiều".
Theo bạn đọc Người dân: "Nhà nước nên có một phần mềm hóa đơn để cho mọi người sử dụng miễn phí (mua lại hoặc tự làm, với mã nguồn mở, định dạng dữ liệu thống nhất), người tiêu dùng sử dụng mã đã có để tự quét xuất hóa đơn".
Đề xuất nên triển khai ngay việc xuất hóa đơn điện tử tại các cây xăng, bạn đọc Hùng nêu giải pháp: "Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế kêu gọi đấu thầu chọn công ty xây dựng tất cả thiết bị và phần mềm xuất hóa đơn cấp cho từng cây xăng, kết nối thuế.
Mỗi lít xăng chiết khấu 500 đồng trả lại vốn cho nhà đầu tư. Thời gian trả lại bao lâu do các bên thương thảo. Xúc tiến ngay thì ba tháng sau là có thể tiến hành xuất hóa đơn điện tử".
Quy định xuất hóa đơn điện tử ngay sau khi bán hàng với đơn hàng có giá trị bất kỳ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ than khó thực hiện.