Mục tiêu này được nêu trong kế hoạch phòng chống tác hại rượu, bia trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 vừa được ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, kiêm trưởng ban chỉ đạo - ký ban hành. Sở Y tế TP.HCM được giao là cơ quan thường trực.
Từ 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm đã tăng lên 7,9 lít
Kế hoạch này dẫn thực trạng từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác. Trong đó, ước lượng có hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỉ lệ 7,5%).
Tình hình tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang ở mức cao và gia tăng nhanh. Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.
Mức tiêu thụ rượu bia ở người từ 15 tuổi trở lên ở nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9 lít.
Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: 44,2% nam giới năm 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).
Theo điều tra yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế năm 2015, tỉ lệ uống rượu bia trong vòng 30 ngày ở nam và nữ tương ứng là 77,3% và 11,1%. Tỉ lệ này ở TP.HCM là 63,7% ở nam và 17,1% ở nữ. Điều đáng báo động hơn là độ tuổi uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa, chủ yếu trong giới học sinh, sinh viên.
Đây chính là cơ sở để TP.HCM đưa ra kế hoạch phòng chống tác hại rượu, bia trên địa bàn với mục tiêu phòng ngừa, giảm tác hại của việc uống rượu, bia, các chất có cồn đối với sức khỏe cộng đồng; đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.
Sẽ kiểm tra, xử lý việc thực hiện quy định cấm rượu bia tại công sở
TP.HCM đưa chỉ tiêu đến năm 2025 có 100% các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học... thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại của rượu bia.
Ít nhất 80% người từ 13 tuổi trở lên được truyền thông về phòng chống tác hại của rượu bia. Đặc biệt, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức; người làm việc trong lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên không uống rượu bia ngay trước, trong và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Giảm tỉ lệ uống rượu bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%; giảm tỉ lệ hiện uống rượu bia ở người 13 đến 17 tuổi còn dưới 20%. Và 50% người trên 18 tuổi được sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu bia.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND TP đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ và giao cụ thể cho các sở, ban, ngành cùng giám sát thực hiện. Trong đó, sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc; tại nơi làm việc; trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày, ngày trực.
Các đơn vị, cơ quan, tổ chức đưa quy định về cấm sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác vào quy chế nhằm tổ chức giám sát việc thực hiện.
TTO - Từ ngày 15-11-2020, lôi kéo người khác uống rượu bia bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng, ép người khác uống rượu bia bị phạt 1-3 triệu đồng...