Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng vừa có văn bản gửi Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Ban vận động cứu trợ TP.HCM xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc kéo dài trong chi trả một số kinh phí phòng chống dịch COVID-19.
Vướng mắc đầu tiên là việc thanh toán chi phí lưu trú cho tình nguyện viên, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch tại tổng đài và các trạm cấp cứu vệ tinh trực thuộc Trung tâm cấp cứu 115.
Theo đó, từ ngày 27-7-2021, TP.HCM thiết lập tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến tại Công ty Phát triển phần mềm Quang Trung (quận 12), thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu ngoài bệnh viện.
Thời điểm này, lúc cao điểm có đến 300 tình nguyện viên tham gia trực và được bố trí chỗ ở tại khách sạn B.H. trong gần 3 tháng, với tổng chi phí phát sinh trên 1,2 tỉ đồng.
Đến nay sau hơn hai năm việc thanh toán chi phí lưu trú này đang gặp vướng mắc, bởi theo nghị quyết số 154 của Chính phủ, các tình nguyện viên không làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mà chỉ tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại các tổng đài.
Vướng mắc kế đến là khó khăn trong việc thanh quyết toán chi phí sửa chữa, khắc phục hư hỏng, tái lập cơ sở vật chất tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (cơ sở Hóc Môn) giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 10-2021.
Lúc bấy giờ, nhà trường chung tay chống dịch bằng việc cho phép TP.HCM trưng dụng cơ sở vật chất làm khu cách ly và sau đó là Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 9.
Trong thời gian vận hành, cơ sở vật chất của trường bị hư hỏng nặng như bị thấm trần, thấm sàn, thấm tường do sử dụng quá mục đích thiết kế; mặt sân hư hỏng do thường xuyên có xe trọng tải lớn ra vào; tường phòng học, hành lang, cầu thang dơ bẩn trong quá trình vận chuyển bệnh.
Ngoài ra, 8 thang máy bị hư hỏng và trên 1.200 ghế liền bàn sinh viên hoen gỉ do thường xuyên khử khuẩn bị ăn mòn… Tổng số tiền khắc phục hư hỏng mà nhà trường đã thuê khắc phục là trên 3,5 tỉ đồng.
Tuy vậy, theo lý giải của Sở Y tế, do trường là cơ sở tư nhân nên không thực hiện đấu thầu các hạng mục sửa chữa, cải tạo và cũng không có báo cáo kinh tế kỹ thuật về việc này. Điều này đồng nghĩa việc trường không đủ chứng từ, điều kiện thanh toán theo hướng dẫn của kho bạc.
TTO - Chị Trần Thảo Như (sinh năm 1994, sống tại TP.HCM) đã tình nguyện ở lại chống dịch tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID số 2 (Q.12) vì biết ơn đoàn bác sĩ Thanh Hóa - Thái Nguyên ở đây.