Vắc xin công nghệ mRNA sử dụng chuỗi vật liệu di truyền để ra lệnh cho cơ thể tạo ra một loại protein cụ thể bắt chước sự lây nhiễm một cách an toàn.
mRNA là viết tắt của cụm từ Messenger RNA, hay còn được gọi là RNA thông tin, là vật chất di truyền giúp cơ thể tạo ra protein. Bản thân RNA thường bị cơ thể tấn công như một kẻ xâm lược từ bên ngoài. Cũng vì vậy mà các nghiên cứu về nó kéo dài chậm chạp hàng thập kỷ.
Vào năm 2023, giải Nobel Y sinh được trao cho hai nhà khoa học: Katalin Kariko, nữ giáo sư chuyên ngành hóa sinh - sinh học phân tử, người Hungary và ông Drew Weissman, nhà khoa học người Mỹ với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA trong sản xuất vắc xin ngừa COVID-19.
Các nghiên cứu đột phá của họ đã thay đổi căn bản hiểu biết của con người về cách thức mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch của chúng ta. Hai nhà khoa học lấy một trong các bazơ RNA là uridine và hoán đổi bằng một chất tổng hợp rất giống.
Biến đổi trên mRNA đã giúp ổn định đáng kể phân tử, giảm khả năng sinh miễn dịch của chính nó đối với tế bào vật chủ, và cung cấp tiềm năng điều hòa miễn dịch rất lớn khiến công nghệ mRNA trong vắc xin trở nên khả thi.
Bước đột phá này giúp nhanh chóng tạo ra vắc xin có hiệu quả cao và là xương sống của vắc xin COVID-19.
Người ta cho rằng sự điều chỉnh nhỏ đối với uridine không gây ra vấn đề gì trong tế bào, nhưng một nhóm nhà nghiên cứu tại đơn vị chất độc của Hội đồng nghiên cứu y khoa (MRC) của Đại học Cambridge đã phát hiện: cỗ máy tạo ra protein trong cơ thể đôi khi phải "vật lộn" với các chất tương tự thay thế cho uridine.
Bởi vì chất thay thế uridine không phải lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp với tất cả các cơ thể như mong đợi. Do đó, với một số người có thể có một khoảng dừng tạm thời trong quá trình tạo protein khiến quá trình này bị gián đoạn, và một chữ cái trong mã có thể bị bỏ qua, giống như việc một chiếc xe đạp bị trượt bánh.
Quá trình này loại bỏ cách diễn giải mã, khiến quá trình "đọc" mã hoàn toàn không đồng bộ và toàn bộ mã tiếp theo bị cắt xén, tạo ra một loại protein vô nghĩa, hệ quả miễn dịch không hoàn hảo, theo tiến sĩ James Thaventhiran, tác giả chính của nghiên cứu.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature cho thấy sự cố này xảy ra ở khoảng 25 - 30% số người tiêm loại vắc xin công nghệ mRNA, vắc xin Moderna và Pfizer.
Nobel Y sinh, giải thưởng mở đầu mùa trao giải Nobel năm nay, đã có chủ, đó là hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman, vì những đóng góp trong phát triển công nghệ vắc xin mRNA chống lại COVID-19.