Park Soo-beom, 40 tuổi ở Seoul, gần đây đã mua một cây thông Noel trên nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc AliExpress. Do giá cả thị trường tăng vọt đã ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng tiêu dùng trong nước, nên đối với người đàn ông là trụ cột gia đình này, giá cả hiện là mối quan tâm hàng đầu của anh, thậm chí còn quan trọng hơn cả chất lượng.
Lựa chọn của anh là một cây thông nhựa cao 45 cm có giá dưới 15.000 won (11 USD), một mức giá gần như không tồn tại trên các trang web mua sắm trực tuyến lớn của Hàn Quốc như Coupang hay Gmarket – nơi giá ít nhất phải gấp đôi.
Park cho biết: “Với ngân sách eo hẹp hàng tháng, tôi ngày càng yêu thích ứng dụng Trung Quốc hơn vì nó có nhiều lựa chọn hợp lý”.
Cô Kim Bong-im, sống ở Daejeon, gần đây đã bắt đầu sử dụng Shein – một nền tảng thương mại điện tử khác của Trung Quốc dành riêng cho quần áo. Ở đây, hiệu quả chi phí cũng nổi bật. Đó là tin tốt cho bà mẹ hai con ở độ tuổi 30 với mức lương ít ỏi từ công việc dọn dẹp. Sau khi mua thực phẩm và các mặt hàng ưu tiên khác cho gia đình, cuối cùng cô cũng có thể tiêu một số tiền cho bản thân.
“Khi tôi nhìn thấy một biểu ngữ quảng cáo có nội dung 'Giảm giá 90% cho các mặt hàng hợp mốt', tôi không thể không nhấp vào đó, Kim nói.
Sự hiện diện của thương mại điện tử Trung Quốc đang ngày càng tăng ở Hàn Quốc, phổ biến là AliExpress, Temu và Shein. Những nền tảng này cung cấp giao dịch trực tiếp giữa người bán với người mua, và giá cả được giữ ở mức thấp nhất vì không có lớp trung gian.
Lượt truy cập hàng tháng vào các nền tảng Trung Quốc đang đuổi kịp với các đối thủ Hàn Quốc. Tháng 10 năm ngoái, Coupang đã ghi nhận số lượng khách truy cập là 28,46 triệu. 11st – một trang web thương mại điện tử khác của Hàn Quốc đã ghi nhận 8,16 triệu. Theo sau là AliExpress với 6,13 triệu, Gmarket với 5,82 triệu và Temu với 2,66 triệu. Năm nay, lượng khách hàng của AliExpress đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng hàng tháng, các nền tảng Trung Quốc đã đánh bại các công ty Hàn Quốc. Theo IGAWorks, đơn vị phân tích thị trường kỹ thuật số, Temu và AliExpress đứng đầu bảng xếp hạng khách truy cập vào tháng 10 năm ngoái. So với tháng 9, Temu ghi nhận thêm 573.900 người truy cập, trong khi AliExpress có thêm 573.500 lượt truy cập. Theo sau là CJ Onstyle (480.000), Lotte Homeshopping (400.000) và GS Shop (280.000), đều của Hàn Quốc.
Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc nở rộ ở Hàn Quốc chủ yếu do giá cả ở nước này tăng và sự quan tâm đến các mặt hàng có giá cả phải chăng hơn. Các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc phù hợp với yêu cầu và có thể dễ dàng tìm thấy trên các nền tảng của Trung Quốc. Chất lượng cũng không còn là vấn đề lớn với các sản phẩm của Trung Quốc khi họ hiện bán các sản phẩm công nghệ tiên tiến. Thật vậy, người Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm hơn đến một loại robot hút bụi nào đó của Trung Quốc có giá dưới 200.000 won, so với những chiếc được Hàn Quốc sản xuất nhưng đắt gấp ba lần.
Một quan chức của AliExpress cho biết: “Nếu bạn nhìn vào tháng 8 năm ngoái, lượng khách truy cập vào AliExpress đạt 5,51 triệu, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước”. “Khi chúng tôi khảo sát người tiêu dùng, họ chia sẻ rằng họ yêu thích nền tảng của chúng tôi vì nguồn hàng và sản phẩm đa dạng. Chúng tôi hiện bán hơn 100 triệu sản phẩm trên AliExpress và có hệ thống giao hàng trực tiếp từ nơi xuất xứ để đưa ra mức giá mua thấp nhất có thể cho người tiêu dùng.”
Vị này cho biết hệ thống hậu cần sáng tạo của AliExpress cũng là một thế mạnh đã và đang thu hút khách hàng trên toàn thế giới. “Chúng tôi hiện là nền tảng vận chuyển nhanh nhất trong số các nền tảng quốc tế. Chúng tôi có thể giao hàng trong vòng năm ngày và chuyển hàng tận tay cho người tiêu dùng Hàn Quốc trong vòng ba ngày,” người này cho biết.
Nguồn: Korea Times