Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600MW.
Lý lẽ của Bộ Công Thương
Thế nhưng, Bộ Công Thương cho rằng việc phải có cơ chế đối với hệ thống nguồn điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện ra bên ngoài xuất phát từ thực tiễn.
Bởi theo quyết định số 13/2020 của Thủ tướng, kể từ ngày 1-1-2021 EVN không ký hợp đồng mua bán điện từ nguồn điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành, phát điện sau ngày 31-12-2020. Lý do là hiện không có cơ sở thực hiện thỏa thuận đấu nối nên nhiều doanh nghiệp muốn phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng không thể đấu nối.
Chính vì vậy dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp có đơn kiến nghị về phát triển, lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tại chỗ và sử dụng năng lượng sạch, sản xuất xanh, sạch.
Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nên chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện nên bộ mới xây dựng chính sách.
Bởi theo Bộ Công Thương, mục tiêu xây dựng chính sách trên nhằm tiếp tục phát huy lợi thế, ưu điểm của điện mặt trời mái nhà, cung cấp nguồn năng lượng sạch tại chỗ, phục vụ nhu cầu sử dụng điện. Hệ thống điện tự dùng sẽ giúp giảm tải cho lưới điện, từ đó giảm chi phí đầu tư cho ngành điện, giảm tổn thất điện năng. Có chính sách phát triển phù hợp để quản lý, đặc biệt là theo vùng miền; có chế tài xử lý trong trường hợp lắp đặt không tuân thủ quy định, tăng cường quản lý nhà nước...
Cần thay đổi chính sách cho điện mặt trời mái nhà
Trước các lập luận của Bộ Công Thương, ông Hà Đăng Sơn - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - cho rằng nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà là thực tế, đặc biệt là với doanh nghiệp. Nhu cầu này nhằm đáp ứng, tự chủ một phần nguồn năng lượng, cũng như cung ứng nguồn điện sạch phục vụ cho sản xuất xanh.
Tuy nhiên, cơ chế mới được Bộ Công Thương đưa ra không mang tính khuyến khích đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Bởi nếu đầu tư điện mặt trời áp mái, doanh nghiệp sẽ bị mất phần sản lượng đưa lên hệ thống điện quốc gia do không được ghi nhận và thanh toán chi phí.
Vì vậy, ông Sơn cho rằng có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ hoặc mua với giá thấp điểm, vừa góp phần tạo ra dòng tiền và tạo động lực cho doanh nghiệp lắp đặt hệ thống. Muốn làm được điều này thì Chính phủ phải có chính sách tháo gỡ đồng bộ.
Đồng tình, ông Chung Diệu Tuấn - giám đốc điều hành Công ty CP đầu tư Copper Mountain Energy Solar (CME Solar) - cho rằng điện mặt trời mái nhà trên các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh là nguồn điện sạch có khả năng bổ sung nguồn điện một cách nhanh chóng dựa trên các lợi thế sẵn có của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhu cầu của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, về sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng đòi hỏi của các thị trường đã trở nên bức thiết và trở thành một yếu tố quan trọng đảm bảo tính cạnh tranh.
Theo ông Tuấn, CME đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp FDI và cả các doanh nghiệp Việt Nam lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy với chi phí đầu tư, lắp đặt, vận hành trọn gói do doanh nghiệp thực hiện đang đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó ông Tuấn cho rằng mô hình đầu tư điện mặt trời áp mái trên mái nhà máy đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại chỗ, tự sản tự tiêu sẽ sớm có chính sách đồng bộ, khuyến khích phát triển.
Vì vậy, ông Tuấn cho rằng các chính sách cần tận dụng và tối ưu hóa nguồn điện này bởi nhu cầu điện có thể tăng mạnh trong thời gian tới.
"Một số thời điểm nhất định, EVN có thể mua phần sản lượng mà doanh nghiệp không dùng hết theo sự điều tiết của cơ quan điện lực và với mức giá thỏa thuận từng thời kỳ. Điều này vừa đảm bảo sự điều tiết hệ thống, vừa tiết giảm chi phí và bổ sung được nguồn điện đáp ứng cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân", ông Tuấn đề xuất.
Khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt trên cả nước sau 2020, song số phận của các dự án này vẫn chưa được định đoạt khi việc giải quyết mới chỉ dừng lại ở đề xuất.