Trang tin Axios (Mỹ) hôm 6/12 trích thông báo Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo gửi đến những người đồng cấp trong G7: "Nga đã đầu tư vào năng lực chuyên chở mới, vận hành mà không cần các dịch vụ của G7 và Australia. Việc này giúp họ xuất khẩu được nhiều dầu thô hơn với giá bán trên mức trần. Chúng ta cần điều chỉnh cách tiếp cận để thích ứng với tình hình mới".
Năm ngoái, G7 và các nước châu Âu áp trần giá lên dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển. Theo đó, các hãng vận tải biển và bảo hiểm tại các nước thành viên bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu Nga xuất khẩu nếu giá bán vượt 60 USD một thùng. Lệnh cấm tương tự được áp lên các sản phẩm dầu Nga từ tháng 2/2023. Các biện pháp này nhằm siết nguồn thu từ dầu mỏ của Moskva.
Khi lệnh cấm được ban hành, phần lớn tàu tham gia hoạt động này là của phương Tây. Nếu giá dầu khi đó vượt 60 USD, các lệnh trừng phạt sẽ tác động nghiêm trọng đến xuất khẩu của Nga.
Tuy nhiên, đến tháng 7 năm nay, giá dầu Nga mới vượt mức đó. Điều này đồng nghĩa các nhà buôn, hãng vận tải và hãng dầu Nga có nhiều tháng để chuẩn bị cho lệnh trừng phạt.
Trong vài tháng này, các nhà buôn cũng tích cực gom tàu dầu cũ để vận chuyển. Nhiều tàu dầu khác thì đăng ký tại các nước không áp lệnh trừng phạt Nga.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nga, dầu thô Nga trên thị trường quốc tế đã lên gần 80 USD một thùng trong tháng 9 và 10, một phần do sự xuất hiện của các tàu dầu trên. Một báo cáo gần đây của Atlantic Council cho thấy khoảng 70% dầu Nga hiện được chuyên chở bởi "tàu dầu ngầm" - những tàu có thông tin về chủ sở hữu và bảo hiểm không rõ ràng. Tháng 1/2022, tỷ lệ này chỉ chưa đầy 30%.
Axios cho biết vài tuần gần đây, các nước bắt đầu siết kiểm soát với dầu Nga xuất khẩu. Nhiều lệnh trừng phạt đã được áp lên các tàu chở dầu Nga. Đây được cho là phần chính trong kế hoạch mà Adeyemo gọi là giai đoạn 2 của giá trần.
"Chúng ta phải giảm lợi nhuận của Nga thông qua 2 kênh: Củng cố việc áp trần giá với hoạt động mua bán dầu Nga và tăng chi phí của Nga khi lách chính sách này", Thứ trưởng Tài chính Mỹ viết.
Gần đây, nhiều quan chức phương Tây cũng thừa nhận trần giá không hoạt động hiệu quả. Do Moskva vẫn bán được dầu với giá trên 60 USD và doanh thu từ xuất khẩu dầu vẫn cao hơn dự báo.
Hà Thu (theo RT)