Việc kết hợp sản vật địa phương với phở vừa là sự sáng tạo, phá cách, lại mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho thực khách.
Đến nay, phở atiso của anh Trang Trường Minh (21 tuổi, ở phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) là quán ăn đầu tiên và duy nhất dùng thân cây atisô (bẹ lá) để ninh nước dùng và bài trí trong tô phở. Khách có thể ăn phần thân này để cảm nhận nước dùng thanh ngọt được hầm từ cành atisô cùng với xương bò Đơn Dương.
Theo anh Minh - chủ tiệm phở, phở atisô chọn đi "lách" nhưng vẫn dựa trên nền tảng phở truyền thống.
"Qua tô phở không chỉ thấy sự phong phú của ẩm thực Việt Nam, mà còn là sự sáng tạo độc đáo của con người, bởi ngay cả món ăn truyền thống cũng có thể phá cách được", anh Minh nói.
Phở atisô có hậu vị thanh ngọt 10 - 15 phút sau khi ăn. Bên cạnh đó, atisô giúp kích thích chuyển hóa năng lượng, giúp nhẹ bụng sau khi ăn phở. Việc ăn phở buổi tối còn giúp ngủ ngon, ấm bụng.
Không chỉ vậy, thân cây atisô cũng không bị đắng như nhiều người nghĩ. Thân non được lấy nấu nước dùng giúp vị phở có độ ngọt tự nhiên.
Ngoài ra, anh Minh cũng muốn quảng bá cho thân cây atisô của Đà Lạt để nhiều người biết đến giá trị và công dụng của nó. Anh cho biết thân cây atisô có chất dinh dưỡng, công dụng ngang với bông, thậm chí giá thành còn thấp hơn bông nhưng trước giờ chưa được nhiều người biết đến, mà thường chú trọng vào bông hơn.
"Phở atisô mong muốn truyền bá công dụng, cách ăn, cho mọi người biết đến thân atisô này, vì nhiều người nghĩ nó chỉ được làm trà chứ không ăn được. Thân atisô có thể nuốt, trong khi bông thì phải nhả. Việc nhai nuốt cũng có tác dụng cung cấp chất xơ cho cơ thể", anh cho hay.
Không chỉ mang atisô Đà Lạt vào nước dùng, một loại khác là atisô đỏ (hoa bụp giấm) cũng được anh Minh chế biến làm bánh phở có màu sắc độc đáo và lạ miệng.
Hồi tháng 9, tại sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam "100 món ngon từ cây atisô Đà Lạt", phở atisô Đà Lạt của anh Minh đã đoạt giải nhì tại cuộc thi.
Đi Đà Lạt nhiều lần nhưng mới lần đầu thưởng thức phở atisô cùng nhóm bạn, bà Ngọc Mỹ (56 tuổi, du khách đến từ TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết mình đã nghe nói và tò mò về phở atisô. Ban đầu bà cũng băn khoăn atisô nấu phở liệu có ngon không, sau khi thưởng thức, cả nhóm bạn của bà ai nấy đều hài lòng.
"Một tô phở mà tôi nghĩ là hoàn hảo. Tôi đã ăn phở nhiều nơi, nhiều vùng miền khác nhau nhưng phở ở đây vị thanh, ăn xong ấm bụng, ngon miệng", bà Mỹ nói. Bà cho biết lần sau khi trở lại Đà Lạt chắc chắn sẽ chọn món này làm điểm tâm hoặc bữa trưa.
Những hình ảnh bắt mắt từ phở atisô:
Cây atisô là dược liệu được xem là đặc sản của Đà Lạt. Nhiều năm qua, atisô được sử dụng toàn bộ thân, lá, rễ, hoa để làm dược liệu, thực phẩm chức năng và chế biến món ăn đặc trưng của Đà Lạt. Món canh hầm atisô là món ăn nổi tiếng ở Đà Lạt được nhiều thực khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tuy nhiên, đối với du khách, đa số chỉ biết đến phần hoa atisô thông qua món canh hầm nổi tiếng mà quên mất toàn bộ cây atisô đều có thể dùng làm thực phẩm, dược liệu. Trong đó, phần lá, thân, rễ còn quan trọng hơn cả hoa atisô.
Theo một công trình khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng (năm 2012), trên cây atisô bộ phận lá chứa nhiều dược liệu quang trọng. Sau công trình khoa học này các công ty kinh doanh atisô tại Đà Lạt đã tập trung vào sản xuất thực phẩm chức năng, dược liệu và đặc biệt cao atisô từ thân và lá cây atisô. Sản phẩm này mau chóng được du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Nồi nước phở atisô được nấu dựa trên việc sử dụng phần bẹ lá để đưa dược liệu vào nước phở, cân bằng vị. Sau khi làm xong nhiệm vụ tạo vị cho nước dùng, bẹ lá sẽ được đưa vào tô phở để thực khách sử dụng trực tiếp.
Hoạt động phở cộng đồng nhân dịp Ngày của phở 12-12
Đầu bếp các quán phở, Hoa hồi vàng, Hoa hồi bạc các năm như: Nguyễn Tự Tin, Nguyễn Tiến Hải, Cao Văn Luận, Vũ Thị Đào... cùng các thương hiệu phở nổi tiếng như: Phở Dậu, Phở Hai Thiền, Phở'S, Phở Xưa Đào Thị, Phở Atiso, Phở Đệ Nhất... sẽ mang những tinh túy từ món ăn được cho là quốc hồn, quốc tuý của dân tộc đến thành phố ngàn hoa trong mùa đông năm nay, trong hai ngày 9 và 10-12.
Bên cạnh mục tiêu giới thiệu và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa văn hóa ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là món phở, chương trình còn hướng tới việc hỗ trợ và chia sẻ cho các em nhỏ kém may mắn tại các đơn vị: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng, Làng trẻ SOS Đà Lạt, Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng, Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng.
200 suất học bổng và những phần quà ý nghĩa cùng hàng trăm bát phở ấm nóng sẽ được trao tặng đến các em. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ cùng các trò chơi, hoạt náo, và phiên chợ 0 đồng cũng sẽ được ban tổ chức thiết kế dành tặng riêng cho các em dịp này.
Ngoài ra, ban tổ chức còn phục vụ hàng nghìn suất phở ấm cho đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên, sinh viên Trường đại học Đà Lạt và giáo viên, cán bộ nhân viên của 4 cơ sở xã hội trên.
Chương trình có sự hỗ trợ của trường Đại học Đà Lạt, các nghệ sĩ: nghệ sĩ Thanh Bạch, hoa hậu Ngọc Hân, hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Bùi Quỳnh Hoa, hoa hậu Hoàn Cầu Việt Nam Kim Ngân, Ca - nhạc sĩ Hoàng Luân, ca sĩ Lê Thu Hiền, Thu Minh, X-Mile Band, MC Anh Đào, Thiên Ân, cùng các đơn vị: Suntory Pepsico và cà phê Là Việt.
MINH HUỲNH
Ngày 9 và 10-12, sự kiện “Phở về với trẻ em vùng cao” sẽ được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) với nhiều hoạt động hấp dẫn dành cho người dân và trẻ em phố núi.