Sáng 9-12, chị Rơ Cơm H'Mon ở thị trấn Phú Thiện đánh xe bò lội qua 20m sông Ayun để sang bờ bên kia, nơi có đất đai canh tác của gia đình. Nhìn con bò bơi qua sông, người lội bộ vượt sông trong dòng nước chảy mạnh, ngập tới ngực, chúng tôi thấy ớn lạnh.
Vậy mà, cứ mỗi sáng, cả trăm người dân cùng bò, trâu bơi, lội qua bờ bên kia làm lụng, tới chiều người và gia súc lại lội, bơi về bờ bên này...
Hiểm nguy rình rập những người vượt sông đi làm
Dừng lại một chút để trò chuyện với chúng tôi, chị H'Mon nói biết lội qua sông là nguy hiểm, rủi ro, nhưng nếu đi bằng đường vòng thì mất đến 10km nên nhiều người cứ lội sông đi làm.
"Nhà mình có hơn 1ha đất trồng lúa và bắp bên kia sông, nếu đi đường kia thì lâu lắm mới tới chỗ làm được. Bởi vậy, mình cùng nhiều người khác chọn đi qua sông cho nhanh.
"Mình cũng có mấy lần suýt bị nước cuốn trôi, nhưng nhờ đi nhiều người nên người này giúp đỡ người kia, đỡ bớt sợ" - chị H'Mon chia sẻ.
Đang gói ghém đồ đạc chuẩn bị bơi qua sông, anh Siu Đại (ở thị trấn Phú Thiện) cho hay gia đình anh có khoảng 3ha trồng mì và lúa bên kia sông, nên hằng ngày đều bơi qua sông để thăm rẫy cho gần.
Cũng theo anh Đại, trước đây người dân đã cùng nhau xây dựng cầu tạm để đi, nhưng cây cầu không trụ vững trước dòng nước mùa lũ. Mùa nước lớn đành phải bơi qua, còn mùa khô việc đi lại dễ dàng hơn.
Vừa dứt lời, anh nhảy ùm xuống sông bơi đi, để lại sau lưng nỗi lo lắng của những người chứng kiến, bởi dòng nước xiết như muốn nuốt chửng thân người nhỏ bé.
Khu vực ngã ba sông này từ lâu đã là con đường đi lại quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số tại tổ dân phố 1 và 2 thuộc thị trấn Phú Thiện.
Chính quyền thị trấn không ngừng tuyên truyền và cảnh báo về nguy hiểm của việc đi tắt qua sông, nhất là trong những dịp xả lũ hay mùa mưa. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, người dân không ngần ngại lội qua sông Ayun để đến nương rẫy.
Theo UBND thị trấn Phú Thiện, có khoảng 300 hộ dân từ làng A Thai, nay là tổ dân phố 1 và 2 của thị trấn Phú Thiện, sở hữu tổng cộng khoảng 200ha đất sản xuất nằm bên kia sông Ayun.
Mong ước một cây cầu
Ông Đinh Văn Chinh - chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện - cho hay việc có một cây cầu bắc qua sông tại khu vực này hết sức cấp thiết, là mơ ước và khát khao của nhân dân cũng như chính quyền địa phương lâu nay.
"Nếu có nguồn vốn xây dựng cầu, không chỉ người dân thị trấn được lợi mà còn thúc đẩy giao thương hàng hóa, kết nối giao thông giữa tỉnh lộ 662B, huyện Ia Pa với quốc lộ 25. Đồng thời, giúp người dân xã Chư A Thai tiếp cận trung tâm nhanh chóng, rút ngắn hơn 10km" - ông Chinh nói.
Theo ông Nguyễn Khanh - phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý dự án huyện Phú Thiện - từ năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị trung ương nghiên cứu bổ sung nguồn vốn để thực hiện dự án đường từ thị trấn Phú Thiện đi xã Chư A Thai.
Dự án đã được đưa vào chương trình đầu tư của huyện với tổng vốn dự kiến hơn 75 tỉ đồng.
"Tuyến đường sẽ kết nối, nâng cao năng lực giao thông giữa các địa phương và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nếu được làm cầu sẽ rút ngắn thời gian từ thị trấn Phú Thiện qua xã Chư A Thai chỉ còn gần 2km" - ông Khanh cho biết thêm.
Tuy nhiên cho đến nay, nguồn vốn để thực hiện dự án nêu trên chưa có. Bởi vậy hằng ngày, người dân thị trấn Phú Thiện vẫn phải tiếp tục hành trình vượt sông mạo hiểm để đến nơi sản xuất.
TTO - Nhóm bốn thợ rừng tại Quảng Bình liều mình bơi qua một con suối ở đầu nguồn sông Long Đại để về nhà. Ba người vượt suối thành công, một người bị cuốn trôi đến nay chưa tìm thấy.