Bộ quy tắc ứng xử "Người Nhân văn"
Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa ban hành bộ quy tắc ứng xử "Người Nhân văn" của nhà trường.
Bộ quy tắc này quy định các quy tắc ứng xử trong và ngoài trường, áp dụng đối với người học, viên chức và người lao động của trường.
Khi làm việc, học tập, tham gia các hoạt động tại trường và trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, người học, viên chức và người lao động phải tuân thủ bộ quy tắc ứng xử này.
Bộ quy tắc này gồm 3 chương, trong đó chương 2 quy định các quy tắc ứng xử chung với nhiều điều khoản: trang phục, tác phong nơi làm việc, học tập; ứng xử trong quá trình làm việc, học tập tại trường; ứng xử trên không gian mạng, nơi công cộng, nơi cư trú; ứng xử của người học, của viên chức và người lao động.
Bộ quy tắc có nhiều nội dung rất cụ thể: tuân thủ các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, không giả mạo hoặc làm sai lệch dữ liệu, thông tin trong nghiên cứu khoa học, hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu.
Đấu tranh và phản ánh kịp thời đối với những hành vi tiêu cực không phù hợp với chuẩn mực trong làm việc, học tập, nghiên cứu khoa học.
Không uống rượu, bia, hoặc đồ uống có cồn trước, trong giờ làm việc và học tập, giờ nghỉ trưa của các ngày làm việc (trừ trường hợp theo nhiệm vụ)…
Băn khoăn quy định không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học
Ngay sau khi nhà trường công bố bộ quy tắc ứng xử này, nhiều ý kiến của người học, cán bộ, giảng viên nhà trường ủng hộ và cho rằng việc nhà trường ban hành một bộ quy tắc ứng xử với nhiều quy định chi tiết giúp người học, người lao động của trường hiểu rõ hơn để thực hiện đúng.
Nhiều người nói bộ quy tắc ứng xử này góp phần xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; đảm bảo sự liêm chính, chuyên nghiệp, phù hợp với trách nhiệm, nghĩa vụ của người học, viên chức và người lao động.
Góp phần ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi ứng xử tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong nhà trường.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn và có ý kiến trái chiều với quy định nêu trong bộ quy tắc này: "Không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức và người lao động khi chưa được sự đồng ý của người học, viên chức và người lao động".
Đặc biệt, các sinh viên báo chí, truyền thông của trường cho rằng quy định trên sẽ gây khó cho sinh viên.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nhà trường ban hành một bộ quy tắc ứng xử như vậy. Tuy nhiên, liên quan tới quy định không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức và người lao động khi chưa được sự đồng ý của họ, tôi thấy chưa phù hợp và hơi khắt khe", H. - sinh viên báo chí - nhận định.
Cũng theo sinh viên này, đối với sinh viên, hiện nay việc sử dụng điện thoại thông minh là rất phổ biến. Việc ghi âm, chụp ảnh trong lớp học cũng rất thoải mái. Sinh viên đều là người trưởng thành, chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Nếu ghi âm, chụp ảnh rồi sử dụng với mục đích xấu thì bị xử lý.
"Đặc biệt, với sinh viên báo chí, truyền thông và thậm chí những bạn học ngành khác vẫn thích chụp ảnh, quay phim trong lớp học, trong khuôn viên trường để thực hành, sáng tạo, thậm chí tác nghiệp để cộng tác với các cơ quan báo chí.
Nếu mỗi lần chụp ảnh, ghi hình, ghi âm đều phải xin phép thì rất phức tạp. Đó là chưa kể quy định này có thể gây ra một số tình huống hiểu lầm, căng thẳng không cần thiết khi bạn nào muốn ghi âm, chụp ảnh, ghi hình trong trường mà bị cản trở do lỡ chưa xin phép", một sinh viên truyền thông nói.
Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa công bố điểm chuẩn đại học dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2023.