Mới đây, vụ việc một nữ doanh nhân có tiếng ở Hà Nội bị phong tỏa 5 tài khoản gửi tiết kiệm ngân hàng (tổng trị giá 15,2 tỷ đồng) đang nhận được sự quan tâm từ dư luận.
Theo đó, bà Phạm Thị Thanh Khuyên - Chấp hành viên được Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình (Hà Nội) phân công tổ chức thi hành án đã ký quyết định phong tỏa 5 tài khoản gửi tiết kiệm tại một ngân hàng của bà H.T.B. (thường trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) với tổng số tiền 15,2 tỷ đồng.
Không ít độc giả bày tỏ băn khoăn về việc trường hợp nào sẽ bị phong tỏa tài khoản ngân hàng; vì sao cơ quan thi hành án chưa xử lý tài sản đảm bảo của khoản vay đã tiến hành phong tỏa tài sản khác?
Tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa trong trường hợp nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Giám đốc Công ty Luật An Pha Na, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết căn cứ khoản 10 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì "Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước" là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Cùng với đó, Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định: "Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án".
Căn cứ khoản 4 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cơ quan chức năng chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự thì "phong tỏa tài khoản" là một trong các biện pháp bảo đảm thi hành án.
Khoản 1 Điều 66 cũng quy định "Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự".
Như vậy, biện pháp phong tỏa tài khoản có thể được áp dụng cả trong giai đoạn xét xử và thi hành án nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ trong vụ án dân sự, vị luật sư này cho biết.
Ông Trạch cũng cho biết, việc phong tỏa tài khoản có thể đồng thời áp dụng cùng với các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay biện pháp bảo đảm thi hành án khác và phải bảo đảm "phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện".
Vì sao chưa xử lý tài sản đảm bảo đã tiến hành phong tỏa tài khoản?
Như đã trình bày ở trên, ông Trạch nhấn mạnh cơ quan thi hành án hoàn toàn có quyền phong tỏa tài khoản ngân hàng để tránh việc tẩu tán, hủy hoại tài sản...
Kể từ khi xét xử đến lúc thi hành án, cơ quan chức năng đã có thể tiến hành phong tỏa tài khoản, nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ trong vụ án dân sự.
Biện pháp này được áp dụng nhằm tránh trường hợp không thể thi hành án do không còn tài sản, tài khoản thi hành án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được thi hành án.
Ngoài ra, tài khoản bị phong tỏa không phải lúc nào cũng được dùng hết để thi hành án mà còn tùy vào nghĩa vụ của người phải thi hành án. Chấp hành viên chỉ xử lý đến tài khoản này khi tài sản đảm bảo không đủ để thi hành án và việc lấy thêm bao nhiêu thì sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
Việc phong tỏa tài khoản sẽ được chấm dứt khi nào?
Cũng theo ông Trạch, căn cứ theo Điều 77 Luật Thi hành án dân sự thì việc phong tỏa tài khoản được chấm dứt trong các trường hợp như người phải thi hành án đã thi hành xong nghĩa vụ thi hành án; Cơ quan, tổ chức đã thực hiện xong yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án; Có quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 50 của Luật này.
Sau khi đáp ứng đủ điều kiện, Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa tài khoản ngay sau khi có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, vị luật sư nhấn mạnh.
Việc áp dụng, chấm dứt áp dụng biện pháp này đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục.
Nếu, người bị áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản cho rằng việc áp dụng biện pháp này là sai thì có quyền kháng cáo phúc thẩm (đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật) hoặc khiếu nại, tố cáo theo trình tự, thủ tục của BLTTDS 2015 (Điều 499 - 515) hoặc theo Luật Thi hành án dân sự (Điều 140 - 161 nếu ở giai đoạn thi hành án).
Theo thông tin báo Dân trí đã đăng tải, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình (Hà Nội) vừa ký quyết định thi hành án theo yêu cầu đối với ông N.Q.T., bà H.T.B.
Cơ quan thi hành án buộc ông T. và bà B. phải thanh toán cho một ngân hàng ở Hà Nội số tiền nợ tính đến ngày 3/8/2022 trên 13,4 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc trên 6 tỷ đồng và nợ lãi trong hạn gần 7,3 tỷ đồng.
Theo quyết định của cơ quan thi hành án, kể từ ngày bản án có hiệu lực, ông T. và bà B. không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán khoản tiền nợ nêu trên và toàn bộ lãi phát sinh thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, phát mãi tài sản đảm bảo của khoản vay là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại thửa đất 79 Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)…
Sau đó, bà Phạm Thị Thanh Khuyên - Chấp hành viên được Chi cục THADS quận Ba Đình phân công tổ chức thi hành án đã ký quyết định phong tỏa 5 tài khoản gửi tiết kiệm tại một ngân hàng của bà H.T.B. (thường trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) với tổng số tiền 15,2 tỷ đồng…
Xem thêm: mth.97810306180213202-gnah-nagn-naohk-iat-aot-gnohp-ib-iht-oan-ihk/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad