Thông điệp được ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch tỉnh Nghệ An nêu tại hội nghị đánh giá một năm thực hiện bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh năm 2023, tổ chức tại thị xã Cửa Lò, sáng 10/12.
Ông Trung cho biết thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Đây là nguồn lực để các địa phương có điều kiện thực hiện những mục tiêu phát triển.
Theo ông này, nhiều năm trước, Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng gần đây đã có chuyển biến rất tích cực. Năm 2022, Nghệ An đạt gần một tỷ USD vốn FDI, năm 2023 đạt gần 1,5 tỷ USD. Qua đó, 2 năm liền tỉnh này nằm trong danh sách 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trung cho rằng Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng về quy hoạch, hạ tầng, mặt bằng đầu tư, nguồn lực và cải cách thủ tục hành chính, chất lượng môi trường đầu tư. Tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ, xem khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư là của tỉnh để giải quyết thủ tục đúng và nhanh nhất, có dự án chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 5 ngày làm việc.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An phân tích, để đẩy mạnh thu hút FDI dưới góc độ liên kết 3 tỉnh và liên kết vùng, "cần sự hợp tác cùng có lợi, cùng thắng và muốn đi xa phải cùng nhau". Theo đó, cần liên kết sử dụng hiệu quả hạ tầng dùng chung và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội để nâng cao hiệu quả hợp tác, nhất là liên kết Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An và Nam Hà Tĩnh.
"Ba tỉnh đều có nguồn nhân lực dồi dào, lao động chịu khó, thông minh nhưng bên cạnh đó nên tăng cường đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu, đảm bảo phục vụ thu hút FDI", ông Trung nói. Theo ông, việc liên kết trong ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế có điều kiện phát triển giống nhau là rất quan trọng để hoàn thiện môi trường và chính sách đầu tư",
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng đồng tình quan điểm cần tăng cường thu hút FDI, cho hay việc đẩy mạnh liên kết ba tỉnh Bắc Trung Bộ là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển. Trước hết, vùng này cần thống nhất hợp tác, tạo ra không gian phát triển mới có tính gắn kết, đặc biệt cho phép các địa phương có thể tối ưu hóa kết quả nhờ vào lợi thế quy mô kinh tế trong điều kiện nguồn lực hạn chế.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói ủng hộ 3 địa phương trong việc xây dựng các cơ chế chính sách vùng, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ quảng bá đầu tư, nhất là liên kết phát triển Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh.
Theo ông Đông, 3 tỉnh cần phối hợp với Bộ trong việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, nhằm nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành các chuỗi liên kết về công nghiệp, năng lượng...
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thanh Hóa ước đạt 7,01%, đứng thứ 29 cả nước; quy mô GRDP đạt 272.950 tỷ đồng, đứng thứ 8. Tốc độ tăng trưởng của Nghệ An và Hà Tĩnh lần lượt là 7,14% và 8,05% (đứng thứ 26 và 15); quy mô GRDP đạt 195.199 tỷ đồng và 102.500 tỷ đồng.
Thanh Hóa hiện có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD. Nghệ An thu hút được 133 dự án đầu tư FDI từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4 tỷ USD. Hà Tĩnh có 68 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD (tương đương 317.000 tỷ đồng).
Đức Hùng