Cà Mau sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước
Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không có địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, có ngư trường rộng lớn khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy hải sản phong phú, có khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 300.000 ha, sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là xuất khẩu thủy sản. Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước.
Tỉnh có địa hình thấp và bằng phẳng, vùng biển rộng, với 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), nhất là cụm đảo Hòn Khoai nằm rất gần với đường hàng hải quốc tế, có nhiều nắng và gió, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp.
Với độ che phủ rừng của 2 hệ sinh thái rừng mặn và ngọt, lớn nhất khu vực ĐBSCL; có 2 vườn quốc gia, có khu Ramsa, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, cùng với truyền thống lịch sử cách mạng và những lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, giúp tỉnh hội tụ nhiều giá trị, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Quy hoạch hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, trung tâm chế biến thủy sản; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng…
Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tình hình kinh tế - xã hội của Cà Mau
Số liệu công bố tại Lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau diễn ra sáng ngày 9/12, cho thấy, sản xuất, kinh doanh phục hồi, có chuyển biến tích cực, GRDP 2023 ước đạt hơn 45.400 tỷ đồng, tăng 7,83%, vượt kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70 triệu đồng; tăng 13% so cùng kỳ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 32,6% GRDP; công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 30,6%; dịch vụ chiếm tỷ trọng 32,9%.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục phục hồi, phát triển tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so cùng kỳ. Khu vực thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, tăng 8,5% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vượt 10% kế hoạch, tăng 4,2% so cùng kỳ. Thu hút khoảng 2 triệu lượt khách tham quan du lịch, vượt 13,5% kế hoạch, tăng 18% so cùng kỳ.
Thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,9%. Số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gần 5.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 61.790 tỷ đồng. Có 449 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 145.000 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 153,4 triệu USD.
Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 7/12/2023, đã giải ngân đạt 3.447 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch vốn; ước đến ngày 31/1/2024, giải ngân đạt 95% kế hoạch.