Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Hun Manet thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 11 và 12-12.
Ông Hun Manet từng đến thăm Việt Nam vào tháng 8-2022 trên cương vị phó tổng tư lệnh kiêm tư lệnh lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Dự kiến trong thời gian ở Việt Nam lần này, Thủ tướng Hun Manet hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì lễ đón chính thức nhà lãnh đạo Campuchia. Hai Thủ tướng sẽ có cuộc gặp hẹp, sau đó hội đàm và chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ đến thăm, trò chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương và dự Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam - Campuchia.
Trả lời báo chí trước chuyến thăm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea cho biết chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet cũng là chuyến thăm đầu tiên đến một quốc gia ASEAN.
Ông Hun Manet nhậm chức ngày 22-8-2023, đến nay vừa hơn 100 ngày. Trong quãng thời gian ngắn đó, Thủ tướng Campuchia đã có bốn cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam, đều ở nước ngoài.
Thủ tướng Hun Manet cũng đã gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Mới đây nhất, bà Khuon Sudary, chủ tịch Quốc hội Campuchia, cũng vừa đến Hà Nội thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
"Có thể ví chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet như công việc trồng cây, chăm hoa, yêu cầu chúng ta cần phải thường xuyên chăm bón, tưới tắm", ông Sok Chenda Sophea bày tỏ.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 10 tỉ USD trong năm 2022, tăng từ mức hơn 5 tỉ USD của năm 2020.
"Chỉ trong vòng hai năm đã tăng gấp đôi, một thành hai, đó là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, tuyệt vời", ông Sok Chenda Sophea nói với TTXVN.
Theo Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Campuchia, hiện nay các nhà kinh tế sử dụng khái niệm "+ 1", như "Việt Nam + 1", "Thái Lan + 1"... và đây sẽ là cơ hội để hai nước tăng cường hơn nữa cơ hội hợp tác, bổ sung cho nhau để cùng có lợi.
Ông giải thích khi một số công ty dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, điều này có nghĩa Việt Nam sẽ chào đón và nhận làm một số việc, trong khi một số việc khác có thể xúc tiến chuyển sang Campuchia để bổ khuyết cho nhau.
"Có nhiều hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực yêu cầu hoạt động sản xuất, lắp ráp được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau. Chính vì vậy, tôi rất có niềm tin vào mô hình "Việt Nam + 1". Và để điều đó diễn ra, chúng ta nhất thiết phải có hạ tầng cứng và mềm", ông Sok Chenda Sophea nói thêm.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng thì tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet sẽ góp phần rất quan trọng trong việc thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau, đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia lên tầm cao mới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Campuchia Hun Manet lần đầu gặp nhau trực tiếp tại Trung Quốc ngày 18-10, nhân dịp cùng dự Diễn đàn BRI lần thứ ba ở Bắc Kinh.