Con đường lúa gạo Việt Nam được sắp đặt, tái hiện trong không gian rộng lớn, sử dụng 20.000 chậu lúa để phối cảnh, từ lúc lúa gieo mầm xanh cho đến khi hạt vàng bội thu.
Gắn với hạt lúa, đời sống của nông dân đã đổi thay từng ngày, từ nhà lá, nhà tôn vách đất, nhà ngói, dần đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố sang trọng hơn như nhà gỗ, nhà lầu.
Những ruộng đồng của các xóm nhỏ cư dân theo thời gian cũng lớn rộng thành những cánh đồng mênh mông. Hay những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản, sà lan đã được dùng để vận chuyển lúa gạo đến những miền đất xa xôi của đất nước và các quốc gia.
Phát biểu khai mạc, ông Ngô Minh Long - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang - cho biết những tiểu cảnh đã được dựng lên đưa con người đến trí tưởng tượng phong phú về cách canh tác lúa nước qua từng thời kỳ, từ sơ khai đến hiện đại.
Những hình ảnh chỉ có ở ruộng đồng quê hương đã xuất hiện tại đây với ụ rơm, đất phù sa, cây cỏ, cánh đồng, gợi lên hình ảnh người nông dân từ chân đất đến những cánh đồng không dấu chân nhờ thành tựu khoa học công nghệ hỗ trợ.
“Nhằm tôn vinh những giống lúa quý đã làm nên nền văn minh lúa nước ngàn năm văn hiến, bản đồ Việt Nam ghép bằng giống lúa đặc trưng, đại diện của 63 tỉnh, thành phố đã được sắp đặt trên Con đường lúa gạo. Đây là cách quảng bá độc đáo nhất thương hiệu gạo Việt Nam đến với thế giới. Nó là tác phẩm nghệ thuật độc đáo”, ông Long nói.
Tại sự kiện này, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục: Không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo, chủ đề "Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt" dài nhất (phá kỷ lục) và Mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất.
Hình ảnh được Tuổi Trẻ Online ghi nhận sáng nay tại triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam.
Festival quốc tế lúa gạo mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo Việt Nam.