Sáng 11-12, tại TP.HCM, Tổ chức giáo dục Education First (EF) của Thụy Sĩ tổ chức buổi công bố Chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu năm 2023.
Chỉ số này được EF công bố thường niên từ năm 2011 đến nay, dựa trên dữ liệu được phân tích từ các bài kiểm tra do EF tổ chức trên quy mô toàn cầu.
Năm 2023, EF thống kê kết quả bài thi tiếng Anh từ 2,2 triệu người trưởng thành từ 113 quốc gia và vùng lãnh thổ không nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa.
Kết quả chỉ số thành thạo tiếng Anh của các quốc gia sẽ được chia thành các nhóm: Rất cao (trên 600 điểm), Cao (550 - 599 điểm), Trung bình (500 - 549 điểm), Thấp (450 - 499 điểm), Rất thấp (dưới 450 điểm).
Trong bảng xếp hạng năm 2023, chỉ số thành thạo tiếng Anh của Việt Nam đạt 505/800 điểm, xếp thứ 58 trên tổng số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, và nằm trong nhóm có mức độ thành thạo trung bình.
Cách đây 2 năm, Việt Nam chỉ đạt 486 điểm và nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tiếng Anh thành thạo thấp. Năm nay, mức độ thành thạo tiếng Anh của người Việt đã tăng 9 điểm.
Về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 7 trong khu vực châu Á, cao hơn điểm số của Ấn Độ (hạng 60), Trung Quốc (hạng 82), Nhật Bản (hạng 87).
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 4, sau Singapore (hạng 2), Philippines (hạng 20) và Malaysia (hạng 25).
Hạng nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu năm 2023 thuộc về Hà Lan với 647 điểm. Tiếp theo là Singapore, Áo, Đan Mạch, Na Uy.
Nhiều quốc gia giảm điểm Chỉ số thành thạo tiếng Anh
Về bức tranh chung từ Chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu năm 2023, chuyên gia của EF nhận định có sự ổn định ở châu Âu khi khu vực này vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn của châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Ý) vẫn chưa đạt được cùng mức độ thành thạo tiếng Anh như các nước láng giềng.
Trong khi đó, khu vực Nam Á và Đông Nam Á có sự giảm nhẹ về trình độ tiếng Anh trung bình, nhưng nhiều quốc gia trong khu vực này vẫn giữ điểm số ổn định hoặc tăng nhẹ.
Số điểm trung bình ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi trình độ tiếng Anh ở Ấn Độ đã giảm dần trong vài năm qua. Điểm số của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch.
Ở Trung Á, trình độ tiếng Anh thấp và ổn định, với khoảng cách giới tính cao hơn mức trung bình, xu hướng chênh lệch nam giới hơn nữ giới đều có ở hầu hết các quốc gia này.
Theo chuyên gia TESOL, kỳ thi không phải động lực học tiếng Anh đúng nghĩa. Bởi nếu kỳ thi là động lực, học sinh vượt qua kỳ thi xem như hoàn thành chuyện học.