Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần này, để đảm bảo lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Dù vậy, lãi suất cao cũng đang gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế, làm tăng rủi ro suy thoái ở các nước phương Tây trước thềm bầu cử.
"Thông điệp của họ có thể sẽ giống nhau. Đó là quá trình ghìm lạm phát đang tiến triển tốt, nhưng chưa thể chủ quan", Raphaël Olszyna-Marzys - nhà kinh tế học tại J Safra Sarasin Sustainable Asset Management nhận định trên Guardian.
Các thị trường tài chính thì vẫn kỳ vọng lãi suất năm tới giảm khi lạm phát hạ nhiệt. Giao dịch hiện phản ánh khả năng Fed và ECB giảm lãi suất tới 1,4% năm sau, theo Ngân hàng đầu tư Nomura. Kỳ vọng BoE giảm gần 1% lãi năm tới cũng đang ngày càng lớn.
Giới chức Anh cho biết lãi suất tại đây cần được giữ ở mức 5,25% hiện tại thêm một thời gian nữa, do lạm phát vẫn cao. Thống đốc BoE Andrew Bailey tháng trước nói rằng "còn quá sớm để nghĩ đến việc giảm lãi". Ông cũng cảnh báo "không thể chủ quan về lãi suất", bất chấp chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,6% trong tháng 10, giảm đáng kể so với 6,7% tháng 9.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đầu tháng này cũng tuyên bố "còn quá sớm để tự tin kết luận" rằng họ đã đạt mức thắt chặt đủ để ghìm lạm phát. "Chúng tôi sẵn sàng thắt chặt thêm chính sách nếu phù hợp", ông nói.
Các số liệu cuối tuần trước cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra 199.000 việc làm trong tháng 11, tăng so với chỉ 150.000 tháng 10. Quan chức Fed đang theo sát thị trường việc làm, để tìm tín hiệu tăng trưởng lương hạ nhiệt, từ đó có thể kéo lạm phát về mục tiêu 2%.
Jagjit Chadha - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (Anh) nhận định các ngân hàng trung ương đang "chờ đợi và quan sát" để ngăn sức ép lạm phát lớn thêm. "Về cơ bản, họ đã nâng lãi suất xong rồi. Câu hỏi hiện tại là nền kinh tế sẽ phản ứng ra sao khi lạm phát hạ nhiệt", ông nói.
Tại Anh, các cuộc khảo sát chỉ ra tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Các doanh nghiệp và hộ gia đình đang trải qua thời kỳ chi phí tăng. Lãi suất cao cũng gây sức ép lên chi tiêu. GDP Anh được dự báo giảm 0,1% trong tháng 10.
Tại eurozone, lạm phát cũng đang dần quay về mục tiêu 2%. Trong tháng 11, tốc độ này là 2,4%. Dù vậy, Đức - nền kinh tế đầu tàu của khu vực - lại đang hướng đến suy thoái. Các nước khác trong eurozone cũng đang đi xuống.
"Hồi tháng 9, mọi người vẫn còn đang nói về nâng lãi. Tình hình giờ đã khác hoàn toàn. Các ngân hàng trung ương dường như hài lòng với quá trình thiểu phát. Nhưng để giảm lãi thì còn cần một chặng đường dài lắm", Ruben Segura-Cayuela - kinh tế trưởng tại Bank of America kết luận.
Hà Thu (theo Guardian)