vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 1: Phu kéo xe nữ ở Nhật Bản

2023-12-11 17:19

Cứ ngỡ cụm từ "phu kéo xe" đã trôi vào dĩ vãng, chỉ còn tồn tại từ thời "xưa rất xa" và các nam thanh niên mới làm được, nhưng du khách đến một số khu vực trên thế giới, đặc biệt là thăm Nhật Bản thời nay đều ngỡ ngàng khi chứng kiến hình ảnh chị em thở hổn hển kéo xe chở du khách tham quan leo dốc qua những con phố, do nhiều người có thân hình quá khổ, mới càng thêm nể sức chịu đựng của phận liễu yếu đào tơ trên những dặm dài mưu sinh...

Giọt giọt mồ hôi rơi...

Đến khi chuyến xe kéo chở du khách tham quan kéo dài 45 phút kết thúc, Akimoto - cô gái mới ngoài 20 tuổi lịch sự cúi xuống chào khách, đưa đôi tay phồng rộp phủ miếng vải sạch đỡ cặp đôi xuống xe và gạt nhanh những dòng mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt đỏ bừng vì gắng sức của mình.

Là một trong số khá ít cô gái chọn nghề kéo xe, công việc vốn do nam giới phụ trách ở khu phố cổ Asakusa (Tokyo) hoặc Higashiyama (Kyoto) Nhật Bản, Akimoto chia sẻ: Vất vả là thế, nhưng khi hình ảnh về công việc "lương thiện một cách nhọc nhằn" này xuất hiện trên mạng xã hội đã mang lại cho cô và những nữ phu kéo xe Nhật lượng tương tác đông đảo cả trong nước lẫn quốc tế.

Với các nam thanh niên, kéo chiếc xe nặng hàng trăm ký này chẳng hề đơn giản; trong khi các đồng nghiệp nữ phải vận trang phục kimono lúc di chuyển lại càng khó khăn gấp bội phần! Tất cả đều phải có thể chất tốt cùng sự nhẫn nại, tính kiên trì mới đảm nhiệm công việc này được, bởi giữa đường phố đông đúc, náo nhiệt của Tokyo hoa lệ hay cố đô Kyoto, những giọt mồ hôi đầm đìa chảy tràn trên đôi gò má ửng đỏ vì mệt khiến những người xung quanh đều cảm thấy ái ngại.

Một cô gái điều khiển xe kéo ở quận Asakusa, Tokyo, Nhật Bản

Nghề nào cũng phải học, nhưng với các shafu hiện đại (cách gọi những người lái xe kéo ở Nhật) ngoài sức khỏe tốt còn phải uyển chuyển trong động tác điều khiển, để sao cho chiếc xe nặng gấp 3-5 lần trọng lượng cơ thể mình (hơn 200kg) có thể vận hành một cách êm ái, nhất là khi qua những khúc cua hoặc đoạn dốc, có khi vừa kéo vừa chạy hơn 100km chỉ mất 14,5 tiếng đồng hồ (có một số chặng nghỉ giữa chừng).

Với những người mới vào nghề, thời gian đầu công việc này vô cùng vất vả, hầu hết đều phải đánh vật với chiếc xe kéo mà chẳng thể làm nó nhích được chút nào, nhưng ý chí đã giúp họ bám trụ với nghề. Điều đầu tiên bạn phải làm được là dừng xe kéo trong trường hợp khẩn cấp, vì trẻ em có thể lao ra đường bất cứ lúc nào, đồng thời phải có khả năng quan sát và nắm được kỹ thuật để có thể nói và chạy cùng lúc, nhất là kỹ năng giao tiếp về nhiều phương diện.

Thường mỗi khóa đào tạo kéo dài khoảng 1 - 2 tháng, sau đó muốn hành nghề phải vượt qua 2 kỳ thi về kỹ thuật và kiến thức chung, trước khi được cấp phép trở thành người lái xe kéo. Các shafu cũng đóng vai trò hướng dẫn viên nhằm tạo cho du khách những kỷ niệm đẹp khi đến Nhật Bản.

Công việc "lương thiện một cách nhọc nhằn"

Ban đầu, du khách nước ngoài còn ngần ngại khi thấy phu kéo xe là nữ, nhất là những vị khách có thân hình quá khổ, nhưng với Công ty quản lý là Tokyo Rickshaw này - chủ yếu hoạt động ở Khu du lịch Asakusa - thì khoảng 1/3 trong số gần 100 nhân viên của họ là nữ, bởi sự dịu dàng và thái độ ứng xử nhẹ nhàng cùng vốn kiến thức về văn hóa, lịch sử được trang bị rộng, khiến du khách vô cùng ấn tượng.

Đến với nghề kéo xe sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, nhiều chị em cho biết mình "có duyên và được chiếc xe kéo chọn", bởi không phải đơn xin việc nào cũng được chấp nhận giữa thời buổi kinh tế khó khăn, thường chỉ có 10% ứng viên trúng tuyển, do phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí về sức khỏe, kiến thức, giao tiếp...

Mang đôi tất xẻ ngón truyền thống, Akimoto và đồng nghiệp kéo xe thường phải chạy bộ trung bình hàng chục ki-lô-mét mỗi ngày, bất kể nắng mưa. Ngoài thể chất khỏe mạnh, người kéo xe cần phải có kiến thức sâu rộng về địa phương nơi mình làm nghề và biết cách thu hút du khách thuê kéo họ đi tham quan, trong khi khó khăn nhất vẫn là vượt qua áp lực từ phía gia đình, bạn bè...

Theo Giám đốc Tokyo Rickshaw, nếu làm giỏi sẽ kiếm được hơn 1 triệu yên/tháng, gấp 3 lần mức lương trung bình và nhân viên của anh có cả sinh viên đại học lẫn cựu huấn luyện viên thể hình, sau khi xem một số video quay cảnh chị em chăm chỉ luyện tập và trở thành người lái xe kéo. Trên thực tế, những phu kéo xe nữ cũng không ít lần phải đối mặt với hành vi quấy rối tình dục hoặc bị thử thách về kiến thức văn hóa - lịch sử.

"Tôi không muốn bỏ cuộc", đeo chiếc thẻ có dòng chữ ấn tượng này quanh cổ như một lời nhắc nhở bản thân, Akimoto tâm sự, cô gia nhập Công ty Tokyo Rickshaw 2 năm trước, sau khi đại dịch Covid-19 phá hỏng kế hoạch làm việc tại Tokyo Disneyland của cô. Vất vả là thế nhưng chính hình ảnh các cô gái trẻ kéo xe lại mang đến hiệu ứng tích cực, qua đó thu hút nhiều người gia nhập...

Xe kéo ở Nhật Bản có lẽ bắt đầu với cái tên Jinrikisha (xe dùng sức người) vào thế kỷ XIX. Thời kỳ Minh Trị, năm 1869, phương tiện này đã xuất hiện tại Tokyo, dù vẫn chưa rõ do ai phát minh. Vào thời phong kiến, xe kéo được sử dụng nhiều để làm phương tiện di chuyển cho tầng lớp thượng lưu. Nhưng ít ai biết rằng, ở một số nơi trên thế giới, công việc này lại trở thành đặc trưng về văn hóa và vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

(Còn tiếp...)

NGUYỄN XUÂN (Theo Toutiao, Guardian)

Xem thêm: lmth.393651_nab-tahn-o-un-ex-oek-uhp-1-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ 1: Phu kéo xe nữ ở Nhật Bản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools