Chạy đua tìm khách
Từ đầu năm 2023, thị trường bất động sản tại khu vực phía Nam gặp nhiều khó khăn, trong đó địa bàn Tp.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tình hình cũng không mấy khả quan.
Khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, nguồn tiền không còn đổ dồn vào phân khúc này, các sàn giao dịch mua bán bất động sản cũng rơi vào cảnh khốn khó.
Những năm trước, rảo quanh các quán cà phê luôn thấy những nhân viên môi giới quần áo tươm tất, ăn mặc sang trọng tư vấn cho khách về đất đai.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhu cầu mua nhà đất của người dân càng ít đi, đặc biệt thanh khoản thị trường đứng, nhiều công ty môi giới, nhân viên bán hàng phải chật vật tìm khách mua. Nhất là thời điểm quý 3/2023 là dịp cận Tết nhiều nhân viên môi giới, nhân viên kinh doanh nỗ lực tìm kiếm khách để bán hàng.
Trao đổi với Người Đưa Tin anh N.T.T., 28 tuổi, đang làm nhân viên môi giới của Công ty DKRA Việt Nam cho biết: “Tôi hoạt động trong ngành môi giới cũng được 6 năm. Từ sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, các chủ đầu tư, công ty môi giới tổ chức sự kiện bán hàng, những nhân viên như tôi có sẵn danh sách nhà đầu tư và gọi mời đến xem và có thể chốt được nhiều cọc. Nhưng thời điểm hiện tại mọi thứ rất khác, mỗi ngày tôi gọi đến hơn 100 cuộc điện thoại, nhắn tin tư vấn qua Zalo liên tục, cũng chỉ nhận được câu trả lời ‘để anh, để chị tham khảo’ chứ không có ai mong muốn tìm hiểu sâu”.
Đang làm nhân viên môi giới cho một công ty địa ốc thuộc tập đoàn bất động sản lớn tại Tp.HCM nhưng cũng phải vất vả tìm khách, anh Nam cho biết: “Tập đoàn chúng tôi trước đây mỗi lần ra hàng là bán rất nhanh, thậm chí các khách hàng cũ gọi điện tư vấn có sản phẩm mới là hào hứng đi xem. Tuy nhiên, bây giờ họ không còn mấy mặn mà nữa, đặc biệt họ nhờ mình bán các sản phẩm mua trước đó, nhưng rao hoài, bán mãi cũng không ai mua dù có hạ giá, chưa bao giờ tìm được khách hàng mua lại khó như vậy”.
“Khách thường dồn vào đợt cuối năm này, còn cả năm vừa qua môi giới bất động sản như chúng tôi ngồi chơi dài, đợt này anh em kinh doanh đang chạy doanh số, tìm kiếm nguồn khách hàng, gọi điện, thậm chí phát tờ rơi để tìm kiếm thêm nhu cầu để hoàn thành doanh số”, anh Nam chia sẻ.
Hỏi nhiều nhưng không thấy mua
Không chỉ vất vả trong câu chuyện tìm khách, mà để thuyết phục được khách hàng xuống tiền mua sản phẩm bất động sản ở thời điểm hiện tại cũng là một khó khăn.
Ông Hùng, Giám đốc Công ty CP Điạ ốc N.P (có trụ sở ở tỉnh Bình Dương) cho biết: “Từ tháng 10 năm 2023, bên công ty tôi chạy quảng cáo cho dự án ở Bình Phước, cũng có rất nhiều khách tìm hiểu và muốn tham quan dự án. Công ty phải bỏ tiền ra thuê xe, chuẩn bị đủ thứ để phục vụ chỉn chu nhất… tuy nhiên khách đi xem thì nhiều mà chốt thì không có. Đây cũng là một trong những khó khăn thời điểm hiện tại”.
“Những ngày vừa qua, cận Tết nên đội sale thường tập trung với tần suất cao nhất về mặt thời gian lẫn nhân sự. Số lượng lên đến vài chục người túc trực từ sáng đến tối nhưng lắm lúc chẳng có khách. Kiên trì lắm mới bán được một lô”, vị Giám đốc này chia sẻ.
Thực thế cho thấy, thời điểm hiện nay người mua nhà đến tận công trình với mục đích tham quan vị trí, nghe ngóng là chính chứ hiếm khi xuống tiền mua – bán. Lực lượng sale nằm vùng dự án chủ yếu chỉ nhằm thu thập thông tin khách hàng tiềm năng (tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ) để duy trì chăm sóc, chốt hàng về sau chứ không kỳ vọng bán được ngay.
Giới chuyên gia bất động sản cũng nhận định, thời thế đã thay đổi, niềm tin của khách hàng suy giảm cộng với thị trường trầm lắng, buộc chủ đầu tư phải tìm mọi cách lôi kéo khách hàng. Việc sử dụng các chiêu thức giảm giá, tặng quà, ân hạn lãi suất…không còn là “chỗ dựa” cho các nhân viên môi giới và công ty bán hàng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá, hiện nay tâm lý người mua chịu ảnh hưởng bởi chính nền kinh tế và cơ chế vay của các ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư phân vân giữa gửi tiết kiệm và mua bất động sản. Đa số mọi người hướng vào kênh sinh lời tốt hơn.
Mời bạn đọc đón đọc bài tiếp theo “Công ty đóng cửa, môi giới bỏ nghề”.