Mới nhất, tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ chủ trì hôm 7/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%).
Bên cạnh những ghi nhận, biểu dương về kết quả đã đạt được trong điều hành chính sách tín dụng thời gian qua của NHNN, Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều (một số tổ chức tín dụng, NHTM tăng trưởng khá cao; một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm); doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn...
Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động, cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới đảm bảo luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế…
Trước Hội nghị này một tuần, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Công văn nêu, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu NHNN thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng;
Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đến nay, tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Là chủ thể quản lý tiền tệ của đất nước, nhiệm vụ của NHNN là làm ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát, góp phần cùng các cơ quan, bộ ban, ngành khác giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hoàn toàn có thể quan sát thấy trong khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt từ cuối năm 2022 đến nay khi nền kinh tế rơi vào suy giảm và đối diện với nhiều thách thức bất lợi từ cả bên trong lẫn bên ngoài, những câu chuyện liên quan đến chính sách tiền tệ, điều hành tăng trưởng tín dụng của NHNN và hoạt động của các ngân hàng thương mại luôn là chủ đề nóng hổi được giới chuyên gia, doanh nghiệp, truyền thông quan tâm và thảo luận.
Điều quan trọng hơn cả lúc này là làm sao tìm được lời giải cho bài toán “thúc tiền chạy vào nền kinh tế”, không chỉ trong năm 2023, mà cả những năm tiếp theo đây.
Để cung cấp thêm một góc nhìn khách quan trong vấn đề này, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN).
Công cụ hạn mức tín dụng đã lỗi thời
PV: Thưa chuyên gia, ông quan sát và đánh giá như thế nào về hoạt động điều hành tín dụng thời gian qua của NHNN?
Ông Phạm Xuân Hòe: Khách quan mà nói, tôi cho rằng đến thời điểm hiện tại, công cụ hạn mức tín dụng là một công cụ hành chính đã không còn phù hợp.
Tôi đã có nhiều lần kiến nghị và cho rằng NHNN nên xem xét bỏ công cụ này, bởi có thể thay thế bằng các công cụ khác, kiểm soát theo cơ chế thị trường, thay vì sử dụng công cụ hành chính.
Vì sao lại nói như vậy? Thứ nhất, bởi các ngân hàng thương mại muốn tăng trưởng được tín dụng, họ phải huy động vốn. Và đã có một cái xà chặn đó là Basel II, ngân hàng thương mại chỉ được cho vay 80% nguồn vốn từ thị trường 1, được hiểu là thị trường huy động từ dân cư và doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Như vậy, đây chính là một trong những ngưỡng an toàn để bảo đảm các ngân hàng thương mại luôn duy trì được khả năng thanh khoản, chi trả về tiền gửi cho người dân.
Lý do thứ hai, trong trường hợp tín dụng có nguy cơ bành trướng và bùng nổ, nguồn vốn tăng lớn, NHNN hoàn toàn có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là công cụ gián tiếp, đẩy tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên. Có nghĩa rằng, các ngân hàng thương mại phải để tiền huy động ở ngân hàng trung ương nhiều hơn, không được cho vay ra nền kinh tế.
Đây là 2 công cụ hoàn toàn có thể kiểm soát được lượng cung tiền ra nền kinh tế từ kênh tín dụng, bảo đảm rằng sẽ kiểm soát tốt lạm phát và không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Vì vậy, tôi vẫn kiên trì kiến nghị không sử dụng công cụ hạn mức tín dụng.
PV: Ông có thể phân tích rõ hơn những mặt hạn chế, bất cập xảy ra khi sử dụng công cụ hạn mức tín dụng trong điều hành tín dụng?
Ông Phạm Xuân Hòe: Thứ nhất, khi sử dụng công cụ hạn mức tín dụng mà lại cào bằng cho tất cả các ngân hàng thương mại sẽ dẫn đến sự không bình đẳng. Có những ngân hàng có chất lượng tốt, có khả năng tăng trưởng tín dụng cao, lại không có room để tăng trưởng; nhưng có những ngân hàng nhỏ lại không thể có vốn để tăng trưởng tín dụng theo yêu cầu.
Trong khi đó, chúng ta lại thiếu đi một thị trường chia sẻ, trao đổi và mua bán hạn mức tín dụng; điều này không được cho phép. Đây là một bất cập rất lớn của công cụ hạn mức tín dụng.
Bất cập thứ hai của công cụ hạn mức tín dụng là làm giảm đi tính chủ động của những ngân hàng hoạt động tốt, bởi các ngân hàng này biết rằng dù có huy động vốn nhiều và cao hơn thì xà mức tăng tín dụng cũng chỉ có thể đạt được mức cho phép đó thôi.
Như vậy, rõ ràng là không thúc đẩy những yếu tố tích cực, mà lại kìm hãm sự phát triển của ngân hàng có khả năng phát triển tốt.
Hạn chế thứ ba là chính công cụ hạn mức tín dụng này sẽ gây ra câu chuyện méo mó về cung tín dụng, cấp tín dụng cho khách hàng. Khi các ngân hàng với room đã xác định như vậy, sẽ chỉ hỗ trợ cho nhóm khách hàng thân quen của mình và không có sự xem xét bình đẳng trong tiếp cận vốn đối với các khách hàng khác nhau.
Bởi với khách hàng thân thiết, ngân hàng đã quen và biết được điểm tín dụng của những khách hàng đó, nên họ sẽ ưu tiên cho những khách hàng này hơn là việc cho các khách hàng mới và khách hàng có thể thấp hơn một chút về mặt điều kiện vay.
Điểm hạn chế thứ tư của công cụ hạn mức tín dụng là đôi lúc, nó tạo ra một sự giật cục trong điều hành kinh tế, trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vì càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh càng cao để đáp ứng sản xuất cho dịp Tết, nhu cầu vốn cao hơn, thì lại hết room tín dụng. Tình trạng này đã xảy ra rồi, và chính vì điều đó nên nhiều doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo, chạy vạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, tạo ra cửa xin - cho và những tiêu cực trong quá trình tiếp cận tín dụng.
Đây là những hạn chế rất lớn của công cụ hạn mức tín dụng. Trên thế giới không còn một quốc gia nào, không còn một ngân hàng trung ương nào còn sử dụng công cụ lỗi thời này nữa.
"Nút thắt chính là tiền ngân sách không ra được nền kinh tế"
PV: Lãnh đạo cấp cao của NHNN trả lời trước Quốc hội và một số ý kiến chuyên gia cho rằng, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng rất nhiều và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP trên 120%, vẫn còn quá cao nên có thể rủi ro rất lớn nếu bỏ room tín dụng. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Phạm Xuân Hòe: Tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân quan trọng nhất, vì thực tế tín dụng trên GDP của Trung Quốc còn cao hơn cả Việt Nam.
Mục tiêu công cụ hành chính của hạn mức tín dụng là để hạn chế cung tiền, giảm áp lực lạm phát, chứ không phải là siết chặt để kiểm soát rủi ro đối với tín dụng. Bây giờ công cụ này hoàn toàn có thể được thay thế bằng công cụ dự trữ bắt buộc. Và đã dự trữ bắt buộc rồi thì hệ số nợ tiền tệ không thể tăng lên được qua kênh tín dụng.
Cũng theo Basel II, đã có hệ số rủi ro, nên tự các ngân hàng thương mại sẽ biết rằng cho vay vào đâu là lĩnh vực rủi ro cao và đòi hỏi họ phải tăng vốn sở hữu, tăng vốn không dễ dàng một sớm một chiều mà phải được chấp thuận của NHNN.
Nếu như các ngân hàng thương mại tuân thủ tốt các chuẩn mực của Basel II thì họ sẽ phải tự cân nhắc luôn câu chuyện cho vay lĩnh vực nào, ngành nghề nào, chứ không nhất thiết phải can thiệp một cách trực tiếp theo nghĩa như cách điều hành hiện tại.
PV: Theo tính toán được công bố, hiện nay tín dụng mới tăng trưởng được khoảng 9%, như vậy là còn khoảng hơn 700.000 tỷ đồng nữa sẽ cần ra nền kinh tế để có thể đạt mức tăng trưởng 14% của năm nay. Đây có lẽ là một mục tiêu khó khả thi, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Hòe: Tôi cho rằng đây là cách “tính cua trong lỗ” và không đồng tình với quan điểm này. Không thể tính chỉ tiêu như vậy để nói rằng tín dụng cần ra nền kinh tế 700.000 hay 800.000 tỷ đồng.
Để tăng trưởng được 700.000 hay 800.000 tỷ đồng ấy thì ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phải huy động vốn được 1 triệu tỷ đồng từ nền kinh tế. Bởi họ chỉ được cho vay 80% và như vậy, câu hỏi đặt ra là giờ lấy nguồn vốn ở đâu để có thể tăng tín dụng nhanh được như vậy?
Con số tăng trưởng 9% nguồn vốn trong 9 tháng đầu năm là do lãi nhập gốc, chủ yếu của những tháng năm 2022 vì lãi suất huy động khi đó rất cao. Người dân không rút tiền ra để chi tiêu là bởi tình hình kinh tế khó khăn, phải thắt chặt hầu bao. Đây mới là nguyên nhân chính.
Còn kinh tế khó khăn, người lao động thiếu công ăn việc làm, thu nhập giảm thấp, các cửa hàng đều đóng cửa thì không thể có tích lũy từ tài sản để người dân có thể gửi tiền tiết kiệm tăng lên ở mức cao hơn.
Tôi cho là không thể “tính cua trong lỗ” theo cách đó, trừ khi ngân hàng trung ương bơm tiền qua kênh tín dụng cho các ngân hàng thương mại bằng con đường tái cấp vốn, phải bơm thêm tiền, cung thêm tiền.
Và nguyên nhân chính của việc nền kinh tế đang thiếu tiền là gì? Thứ nhất là do 1 triệu tỷ đồng của ngân sách vẫn nằm ở ngân hàng trung ương, không chi ra được, không chi được đầu tư công. Mặc dù con số giải ngân vốn đầu tư công đã tăng rất khá so với năm trước, nhưng cũng vẫn chưa giải ngân hết.
Thứ hai, 1 triệu tỷ ấy nằm ở ngân hàng trung ương lại không phải là tiền của nền kinh tế, mà là tiền giấy nằm trong kho phát hành.
Nếu 1 triệu tỷ này mà ra được nền kinh tế thì rõ ràng tổng nguồn vốn các ngân hàng thương mại sẽ tăng thêm được khoảng 9% nữa, như vậy mới có khả năng mở rộng tín dụng.
Mà bài toán ở đây, nút thắt chính là tiền ngân sách không ra được, không nên đổ cho tiền tệ và tín dụng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.
Đây là lần thứ 3 NHNN cấp room tín dụng cho các ngân hàng kể từ đầu năm đến nay. Đến tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, 11 tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 30/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 9,15%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm; mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều.
Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng, đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành để tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu đã xác định song vẫn đảm bảo dư địa tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế và an toàn hệ thống TCTD.
Xem thêm: lmth.32442000042210202-gnourt-iht-ehc-oc-oeht-gnud-nit-taos-meik-nac/nv.semitaer