Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Norges (Na Uy) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đều nhóm họp ngày 14-12.
Cũng trong cuộc họp tuần này, theo Reuters, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giữ nguyên mức lãi suất 5,25%-5,50%. Ngoài ra, báo cáo về giá tiêu dùng của tháng 11 tại Mỹ công bố trong ngày 12-12 (giờ địa phương) cũng tác động đến tình hình dù các chỉ số được dự báo không biến động nhiều.
Theo nhận định của ông John Briggs, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Công ty Đầu tư NatWest Markets, dù vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất song những điều kiện thực tế có thể khiến FED duy trì hoặc giảm mức lãi suất hiện nay. "Ngoài ra, ECB nhiều khả năng sớm giảm lãi suất trong khi BoE sẽ không làm như vậy trong nửa đầu năm 2024" - ông Briggs nói thêm.
Trước những diễn biến này, không khó hiểu khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng. Chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,65% trong phiên giao dịch ngày 11-12.
Trong khi đó, thị trường tiền tệ dồn chú ý vào sự biến động mạnh của đồng yen giữa lúc có suy đoán Ngân hàng Nhật Bản có thể không duy trì chính sách thả lỏng tiền tệ trong cuộc họp tuần tới.
Cùng ngày 11-12, giá vàng còn 1.998 USD/ounce. Báo cáo mới của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết các ngân hàng trung ương khắp thế giới tiếp tục mua vàng, với tổng lượng mua ròng tháng 10 vừa qua là 42 tấn.
Mua nhiều nhất là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) với 23 tấn trong tháng 10 và đã mua vào 12 tháng liên tiếp. Trong năm nay, PBoC đã mua 204 tấn, nâng tổng dự trữ vàng lên 2.215 tấn.
Ngược với vàng, giá dầu nhích lên sau khi giảm 3,9% vào tuần trước, nhờ Mỹ thông báo tăng cường bổ sung kho dự trữ chiến lược.
Xem thêm: nhc.892143090212132881-ioig-eht-et-hnik-auc-gnort-nauq-el-naut/nv.fefac