Phiên tòa dự kiến khai mạc sáng 3/1/2024 và kéo dài liên tục trong khoảng 20 ngày (không kể ngày nghỉ).
Hai thẩm phán Trần Nam Hà và Lưu Ngọc Cảnh điều hành phiên xử, trong đó ông Trần Nam Hà làm chủ tọa.
Về phía Viện KSND TP Hà Nội có bà Đặng Thị Hồng Thủy, Nguyễn Thị Lan (là kiểm sát viên cao cấp) cùng 3 kiểm sát viên trung cấp, giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử.
Nhóm cựu quan chức trong vụ án
Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó, ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á), mỗi người có 4 luật sư; ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng KH&CN, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) có 1 luật sư.
Trong vụ án, ông Long cùng các bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ KH&CN); Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long); Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng vụ trang thiết bị Y tế - Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế) và Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại các điểm a, b khoản 4 Điều 354 BLHS.
Bị cáo Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Đưa hối lộ”.
Trong khi đó, ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc (cựu thứ trưởng Bộ KH&CN) bị cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các cựu quan chức khác, gồm: Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý nguyên Phó Thủ tướng); Phạm Xuân Thăng (cựu Ủy viên Trung ương, cựu Bí thư tỉnh Hải Dương) phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Nhóm bị cáo còn lại bị xét xử về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”…
Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long
Cựu Bộ trưởng Y tế tích cực hợp tác
Theo cáo trạng, đầu năm 2020, Công ty Việt Á muốn được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm do Bộ KH&CN phê duyệt, nên Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật là đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu khoa học thuộc Bộ KH&CN) để công ty này được Bộ KH&CN phê duyệt tham gia phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Quá trình Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ kít xét nghiệm, ông Nguyễn Thanh Long đã thông qua thư ký Nguyễn Huỳnh để gợi ý, đề nghị và được Phan Quốc Việt đưa hối lộ tổng số tiền 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51,1 tỷ đồng).
Trong đó, ông Long thông qua Nguyễn Huỳnh nhận 2,2 triệu USD và nhận trực tiếp từ Phan Quốc Việt 50.000 USD. Còn Nguyễn Huỳnh nhận 54 tỷ đồng (trong đó đưa cho ông Long 50 tỷ đồng, Huỳnh hưởng lợi 4 tỷ đồng).
Ngoài ra, ông Trịnh Thanh Hùng nhận từ phía Công ty Việt Á 350.000 USD; ông Nguyễn Minh Tuấn nhận 300.000 USD. Ông Nguyễn Nam Liên nhận 100.000 USD, còn cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến nhận 27 tỷ đồng.
Ngoài hành vi đưa hối lộ nêu trên, Viện kiểm sát xác định Phan Quốc Việt còn chi tiền cảm ơn ông Nguyễn Văn Trịnh 200.000 USD; chi cho ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD và ông Phạm Công Tạc 50.000 USD. Các ông Nguyễn Nam Liên và Nguyễn Minh Tuấn, nhận gần 10 tỷ đồng từ Phan Quốc Việt.
Cơ quan tố tụng đánh giá, các khoản cảm ơn nêu trên là tiền hưởng lợi do các bị can là cựu cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thực hiện hành vi. Họ không có sự bàn bạc, gây khó khăn để Phan Quốc Việt phải đưa tiền, nên không cấu thành hành vi đưa, nhận hối lộ.
Giai đoạn tố tụng, ông Nguyễn Thanh Long được đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Ngoài ra, ông Long có thành tích xuất sắc trong công tác, đã nộp khắc phục số tiền nhận từ Phan Quốc Việt.
Xem thêm: mth.42514017021213202-yagn-02-gnort-a-teiv-na-iad-ux-tex/nv.ahos