vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều phụ nữ dân tộc Churu thoát nghèo nhờ trồng rau hữu cơ

2023-12-12 13:01

Đi thăm vườn rau những ngày đầu tháng 12 đang mùa thu hoạch, Ma Lưu, người sở hữu 1.000 m2 rau hữu cơ, phấn khởi vì năm nay sản lượng cao, ít sâu bệnh.

Theo Ma lưu, để chăm được những luống rau xanh, tốt, cô thường dậy sớm tưới nước cho chúng và nhổ cỏ hàng ngày. "Năm nay, tôi trồng hành, cà rốt, bắp cải đều cho năng suất cao do áp dụng thêm biện pháp xử lý sâu bằng các chế phẩm sinh học. Do đó, mỗi tháng thu nhập 5-6 triệu đồng", Ma Lưu nói. Cô cho biết cả năm, doanh thu đạt 70 triệu đồng, ổn định hơn so với trồng khoai lang và cà phê những năm trước.

Gần đó, Ma Hiên - sở hữu hơn 700 m2 rau hữu cơ - cho biết mỗi ngày, chị dành khoảng 2-3 tiếng đồng hồ chăm vườn. Để rau xanh tốt, chị thường sử dụng phân heo, bò trộn với vỏ cà phê, thân cây chuối và rơm rạ, sau đó ủ trong 2-3 tháng. Khi phân này mục mới dùng bón đất trồng rau.

Ma Hiên bên vườn rau hơn 700 m2 tại Đà Lạt. Ảnh: Thi Hà

Ma Hiên bên vườn rau hơn 700 m2 tại Đà Lạt. Ảnh: Thi Hà

"Năm nay, vườn rau nhà tôi thu hoạch khoảng 1 tấn, mang về hơn 20 triệu đồng. Đây là mức thu nhập ổn định nhất của tôi từ trước tới nay", Ma Hiên chia sẻ.

Nói với VnExpress, Ma Điểm - Trưởng nhóm phụ trách kinh doanh cho tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu (thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) - cho biết những năm qua, nhờ trồng rau hữu cơ mà các hội viện của hợp tác xã có thêm thu nhập và bớt cảnh nghèo khó.

Theo Ma Điểm, với giá bán trung bình 20.000-35.000 đồng một kg rau, thu nhập của các hộ trong hợp tác xã dao động 3-5 triệu đồng mỗi tháng, có hộ cao hơn. Hiện, hợp tác xã có 11 hộ tham gia canh tác và 4 hộ đang cải tạo đất để trồng rau vào năm 2024.

"Sản lượng rau củ năm nay tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái nên tổ hợp tác xã có doanh thu dự kiến trên 400 triệu đồng - mức cao nhất từ trước tới nay", Ma Điểm cho hay.

Theo trưởng nhóm, tổ hợp tác xã rau hữu cơ này được xây dựng từ 2016. Cơ duyên khiến chị và các hộ tham gia vào mô hình là khi mọi người đi làm thuê tại các vườn trồng rau, thấy họ sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng sức khỏe nên đã chuyển hướng canh tác không sử dụng thuốc. Chị đã cùng nhiều chị em phụ nữ chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ và thành lập ra tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu.

"Thời gian đầu, chúng tôi chỉ có vài hộ tham gia nhưng rất chăm chỉ đào tạo, tập huấn để canh tác theo chuẩn hữu cơ. Sau quá trình thanh tra nghiêm ngặt của các tổ chức, tổ hợp tác rau của chúng tôi đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn thực hành tốt GPS", Ma Điển nói. Đây là một chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ được áp dụng cho nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, do Ban điều phối PGS Việt Nam cấp.

PGS là hệ thống quản lý chất lượng có sự tham gia của các bên liên quan vào toàn bộ quá trình bảo đảm chất lượng cho sản phẩm. Để tham gia vào nhóm sản xuất này, các hộ nông dân thành viên đều phải trải qua quá trình đào tạo, tập huấn canh tác hữu cơ theo hệ tiêu chí chuẩn. Sản phẩm được cấp chứng nhận khi đó được sử dụng logo của PGS Việt Nam cùng tem xác thực có mã QR trên sản phẩm.

7 năm qua dù sản lượng rau không lớn, nhưng theo Ma Điểm đã truyền cảm hứng cho các hộ tham gia mới sau này. Ngoài ra, bắt tay vào trồng rau sạch, tổ của chị đã nhanh chóng được các doanh nghiệp ở TP HCM hỗ trợ tiêu thụ với giá cao hơn 20-30% so với rau thông thường. Đầu năm nay, hệ thống siêu thị của Central Retail đã tìm đến đặt hàng với sản lượng lớn nhưng tổ hợp tác mới đáp ứng được một phần nhỏ do quỹ đất có hạn.

Để rau được vào siêu thị, ngoài hoạt động thu gom, tổ cũng lập ra một xưởng sơ chế rau củ và đóng gói khoảng 60-100 m2. Rau được đóng gói, dán nhãn đầy đủ và giao cho hệ thống siêu thị vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần.

Là đơn vị thu mua rau để phân phối vào siêu thị, ông Lê Thành Trung - Quản lý thương mại Chuỗi giá trị mảng thực phẩm tươi sống - Central Retail Việt Nam, cho biết bắt đầu hợp tác với cộng đồng Tu Tra từ tháng 2/2023 thông qua tổ chức phi chính phủ ở TP HCM. Sau quá trình tìm hiểu và hỗ trợ tổ hợp tác đóng gói sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm từ tháng 8, các sản phẩm từ Tu Tra lần đầu tiên được giao trực tiếp tới Go! Đà Lạt. Tới nay, sản phẩm có mặt ở 4 siêu thị tại TP HCM.

"Chúng tôi bất ngờ vì sản phẩm rau của bà con được khách hàng ưa chuộng. Thậm chí, nhiều khách quen thường đến siêu thị đặt hàng trước khi thấy trên kệ cháy hàng", ông Trung nói.

Theo các thành viên trong tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu, sắp tới họ sẽ vận động thêm phụ nữ Churu tham gia vào tổ hợp tác. Họ hy vọng trong năm 2024 sẽ có thêm 4 hộ canh tác để có nhiều rau sạch cho người tiêu dùng sử dụng.

Thi Hà

Xem thêm: lmth.1547864-oc-uuh-uar-gnort-ohn-oehgn-taoht-uruhc-cot-nad-un-uhp-ueihn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều phụ nữ dân tộc Churu thoát nghèo nhờ trồng rau hữu cơ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools