Xuất phát từ việc hòa giải vụ án dân sự
Theo kết luận điều tra, ngày 12-6-2017, TAND huyện Ninh Phước thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Viên Thị Thanh Loan với bị đơn là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và ông Nguyễn Quốc Hoàng, yêu cầu trả nợ số tiền 3 tỉ đồng.
Thẩm phán Hán Văn Nhuận và thư ký Quảng Thị Thái Bình được phân công giải quyết vụ án.
Ngày 16-6-2017, thư ký Bình mời bà Loan, bà Oanh và ông Hoàng đến tòa án làm việc nhưng chỉ có bà Loan, bà Oanh đến, còn ông Hoàng vắng mặt (quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán Nhuận không có mặt trong các buổi làm việc với các đương sự và các phiên họp, phiên hòa giải... vì đang đi thi chức danh thẩm phán trung cấp tại Hà Nội).
Thư ký Bình cho bà Oanh viết bản tự khai, bà Oanh khai vay bà Loan 2,9 tỉ đồng, nhưng chồng bà là ông Hoàng không biết.
Sau đó, thư ký Bình cho bà Oanh ký vào “Biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ”, “Biên bản hòa giải” và “Biên bản hòa giải thành” chưa ghi ngày, tháng và chưa ghi nội dung.
Đến ngày 19-6-2017, ông Hoàng đến tòa án làm việc. Thư ký Bình lập biên bản lấy lời khai ông Hoàng, ông Hoàng khai việc vợ ông là bà Oanh vay tiền bà Loan ông không biết. Ông Hoàng ký biên bản và đi về thì thư ký Bình tự ghi thêm, tiếp vào biên bản lấy lời khai của ông Hoàng: “Hiện nay vợ tôi đã trả được 100 triệu đồng, nên số nợ nêu trên hiện vợ chồng tôi còn nợ bà Loan là 2,9 tỉ đồng, vợ chồng tôi đồng ý trả nợ cho bà Loan".
Tiếp đó, thư ký Bình hoàn thiện nội dung các biên bản đã lập khống trước đó “Biên bản kiểm tra việc giao nộp, công khai chứng cứ”; lập khống “Biên bản hòa giải” và lập khống “Biên bản hòa giải thành” khi không có mặt bà Oanh, ông Hoàng với nội dung vợ chồng Oanh - Hoàng vay tiền bà Loan, đồng ý trả nợ cho bà Loan.
Sau khi lập biên bản hòa giải thành, thư ký Bình không gửi cho ông Hoàng, bà Oanh theo quy định của pháp luật để bổ sung, thay đổi ý kiến. Ngày 23-6-2017, thẩm phán Nhuận đi Hà Nội về đã ký hợp thức các biên bản trên với tư cách là thẩm phán, chủ trì. Sau đó, thẩm phán Nhuận ký ban hành quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự. Quyết định này cũng không gửi cho ông Hoàng, bà Oanh theo quy định.
Sau khi quyết định này có hiệu lực, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ninh Phước đã cưỡng chế kê biên, bán đấu giá nhà, đất của vợ chồng bà Oanh, ông Hoàng giá hơn 1,6 tỉ đồng để thi hành án cho bà Loan. Ông Hoàng không đồng ý vì là khoản nợ riêng của bà Oanh. Ông Hoàng đã đến TAND huyện Ninh Phước hỏi và được biết lời khai của ông được thư ký Bình viết thêm nội dung sai sự thật.
Ông Hoàng có đơn tố cáo việc làm sai lệch hồ sơ vụ án, cố tình đưa ông thành bị đơn, phải trả nợ của TAND huyện Ninh Phước đến cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngày 17-11-2020, viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Sau đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP.HCM và hủy quyết định của TAND huyện Ninh Phước do không đảm bảo về nội dung, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ngày 24-12-2021, chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM.
Ngày 29-3-2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy quyết định tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM, giữ nguyên quyết định của Tòa án nhân dân huyện Ninh Phước.
Đình chỉ vì 'chuyển biển của tình hình'
Theo cơ quan điều tra, quá trình được phân công giúp thẩm phán giải quyết vụ án dân sự, bà Bình đã thực hiện một số hành vi trong quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu trái quy định của pháp luật; chưa chứng minh được nguồn gốc số nợ, trách nhiệm trả nợ; không tổ chức phiên hòa giải công khai, đúng thành phần quy định để các bên bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, mà cố tình ghi thêm vào biên bản lấy lời khai, cho các đương sự ký khống... dẫn đến ông Hoàng không có nghĩa vụ trả nợ và không đồng ý trả nợ thành đồng ý trả nợ, sau đó đã trình thẩm phán ký ban hành quyết định trái với ý chí, nguyện vọng của ông Hoàng, nên đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM hủy để giải quyết lại, do không đảm bảo về nội dung, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo kết luận điều tra, hành vi nêu trên của bà Quảng Thị Thái Bình đã phạm vào tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án” quy định tại điều 375 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, xét đánh giá toàn diện vụ án, cơ quan điều tra cho rằng về động cơ, mục đích, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội, do bà Bình chỉ là thư ký giúp việc cho thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án, thực hiện hành vi theo sự phân công, chỉ đạo của thẩm phán.
Sau khi cơ quan điều tra VKSND tối cao ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Bình về tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án”, thì đến ngày 29-3-2022, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, nhận định:
“Việc thẩm phán Hán Văn Nhuận giao cho thư ký Bình tiến hành tổ chức phiên họp công khai chứng cứ, hòa giải, lấy lời khai của đương sự chưa đúng quy định”, nhưng lại hủy quyết định tái thẩm nêu trên, giữ nguyên quyết định của Tòa án nhân dân huyện Ninh Phước và đã có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, quyết định giám đốc thẩm được coi là tình tiết mới trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, là “do chuyển biến của tình hình" làm thay đổi bản chất vụ án hình sự mà cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố; bị can là người dân tộc thiểu số, có nhân thân tốt.
Vì vậy, cơ quan điều tra VKSND tối cao nhận thấy đủ điều kiện để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị can Quảng Thị Thái Bình theo điểm a, khoản 2 điều 29 Bộ luật Hình sự.
Cùng ngày, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với bà Quảng Thị Thái Bình.
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Quảng Thị Thái Bình (41 tuổi, thư ký Tòa án nhân dân huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).