Vay tiêu dùng tăng thấp
Tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới công bố, đội ngũ phân tích Chứng khoán KB (KBSV) cho biết tăng trưởng tín dụng về gần cuối năm đã cải thiện so với đầu năm. Song nhu cầu tín dụng vẫn tương đối thấp trong bối cảnh kinh tế chưa thực sự có nhiều điểm sáng.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 11-2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 - thấp hơn so với cùng kỳ và mục tiêu đặt ra.
Riêng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống hết tháng 9-2023 chỉ tăng khoảng 1,53% so với đầu năm - mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Nhu cầu từ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn.
"Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn để duy trì vốn lưu động hơn là mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh", báo cáo KBSV nhận xét.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về lý do khiến vay tiêu dùng tăng thấp, ông Hồ Đức Thành - chuyên gia phân tích KBSV - cho biết khi kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Thêm nữa, ngân hàng và công ty tài chính cũng thu hẹp cho vay do lo ngại rủi ro nợ xấu từ mảng cho vay tiêu dùng tương đối cao.
Theo chia sẻ của một số ngân hàng, mảng khách hàng cá nhân vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng chậm hơn so với năm trước. "Vay mua nhà, mua xe - hai mục lớn nhất cơ cấu vay tiêu dùng - đều giảm. Nhìn vào bức tranh chung của thị trường sẽ thấy được sự khó khăn", ông Thành phân tích.
Cho vay kinh doanh bất động sản "cứu" tín dụng
Trong khi tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng ì ạch, tín dụng kinh doanh bất động sản lại tăng tốt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại các ngân hàng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022 và chiếm tỉ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng 21,86%, cao hơn tỉ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia của KBSV chỉ ra các ngân hàng có tỉ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp và bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng vượt trội hơn so với các ngân hàng còn lại.
Mặc dù thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong việc tháo gỡ pháp lý nhưng tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này vẫn vượt mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, theo KBSV.
Tuy nhiên, đơn vị này lưu ý tỉ lệ nợ xấu từ cho vay bất động sản cũng có xu hướng tăng nhanh lên mức 2,9%, so với 1,8% cuối năm 2022.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính quý 3-2023 của nhiều ngân hàng nhận thấy dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng tốt trong 9 tháng đầu năm. Như tại Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cuối tháng 9-2023 là 160.237 tỉ đồng, tăng hơn 51.000 tỉ đồng so với đầu năm.
Tại SHB, dư nợ kinh doanh bất động sản trên báo cáo hợp nhất đến ngày 30-9-2023 là hơn 67.600 tỉ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm.
VPBank (VPB) cũng có dư nợ kinh doanh bất động sản lớn và tăng sau 9 tháng. Tại báo cáo hợp nhất, hết tháng 9-2023, VPB cho vay hơn 98.000 tỉ đồng vào kinh doanh bất động sản, tăng 45% so với đầu năm.
Nằm trong "top" các ngân hàng tăng tín dụng vào kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 9 này còn có HDBank, MBBank, TPBank, VietBank, MSB…
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết điểm cần chú ý khi nhu cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường đang giảm so với thời điểm trước.
Trong khi đó, về mặt an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhu cầu tín dụng bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn, trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường.
Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản. Bên cạnh đó, còn có sự tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại một số tổ chức tín dụng, với tốc độ tăng trưởng cao.
Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giờ làm, thu nhập người lao động sụt giảm. Lẽ ra cho vay tiêu dùng sẽ tăng nhưng thực tế đang ngược lại. Nhiều người muốn vay cũng khó, tín dụng đen được lợi.