Theo Hãng tin Reuters, các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng lưu niệm tại Bethlehem những ngày này vắng tanh, thành phố trống trải.
Tin tức thời sự chiếm ưu thế kể từ ngày 7-10 là các cuộc tấn công của Hamas ở miền nam Israel. Tiếp theo là cuộc tấn công quân sự của Israel vào Gaza, cộng thêm bạo lực gia tăng ở Bờ Tây. Các chủ doanh nghiệp ở Bethlehem nhìn nhận: sẽ chẳng còn ai dám đến nơi này.
“Chúng tôi ế thậm ế thượt. Không một ai đến ở”, ông Joey Canavati, chủ khách sạn Alexander, buồn bã cho biết.
Đây là Giáng sinh buồn nhất từ trước đến nay. Bethlehem đóng cửa vào dịp Giáng sinh. Không có cây thông Noel, không có niềm vui, không có tinh thần Giáng sinh, ông chủ khách sạn có gia đình đã sống và làm việc ở Bethlehem suốt 4 thế hệ nhìn nhận.
Nằm ngay phía nam Jerusalem, nguồn thu nhập chủ yếu của Bethlehem phụ thuộc vào du khách từ khắp nơi trên thế giới đến xem nhà thờ Giáng sinh. Nơi đây những người Công giáo tin là nơi Chúa Giêsu chào đời.
Ông Canavati khẳng định trước ngày 7-10, khách sạn của ông đã được đặt kín chỗ cho dịp Giáng sinh. Kể từ khi xung đột bắt đầu, mọi thứ đều trở nên tồi tệ trong phút chốc, kể cả việc đặt chỗ cho năm 2024.
Ông dẫn chứng với các nhà báo Hãng tin Reuters bằng những căn phòng trống và phòng ăn lặng lẽ như tờ.
“Trước đây chúng tôi có ít nhất 120 người ăn ở đây mỗi tối, rất đông. Âm thanh sôi đông, con người đi lại. Giờ thì trống rỗng. Không có bữa sáng Giáng sinh, không bữa tối Giáng sinh, không tiệc buffet Giáng sinh, không một âm thanh”, ông Canavati nói.
Quảng trường Manger của Bethlehem, một không gian lát đá rộng lớn phía trước nhà thờ Giáng sinh thường là tâm điểm tổ chức Noel. Bây giờ, quảng trường như chốn hoang vu. Hầu hết các cửa hàng lưu niệm đều đóng cửa.
Ông Rony Tabash bán thánh giá, tượng Đức Mẹ đồng trinh và các vật phẩm tôn giáo khác trong cửa hàng của gia đình. Giờ ông chỉ quét dọn các kệ hàng để giết thời gian.
“Gần hai tháng không có khách hành hương hay khách du lịch nào đến nơi này”, ông than thở và cho biết thêm rằng ông vẫn mở cửa hàng như một cách để quên đi sự tuyệt vọng. “Chúng tôi muốn cảm thấy rằng mọi thứ sẽ trở lại, giống như cuộc sống bình thường", ông nói.
Ông Ala'a Salameh, chủ nhà hàng falafel Afteem, nhìn nhận hoạt động kinh doanh của ông chỉ còn 10 - 15% so với trước. Họ chủ yếu phục vụ cho các gia đình Palestine địa phương, thay vì lượng du khách nước ngoài như thường lệ.
“Chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình. Bethlehem là thành phố nơi hòa bình được sinh ra, nên nơi đây phải là sứ giả cho hòa bình được lan tỏa khắp thế giới”, ông Salameh bày tỏ ước vọng.
Đó là những nhà thờ tuổi đời hàng trăm năm cùng lối kiến trúc độc đáo, thu hút sự chú ý của người dân và du khách khi đến TP.HCM.