Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức, ngày 12/12, các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam có những bước tiến từ 2021 - thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII đến nay.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chính sách ngoại giao vaccine ở thời kỳ đầu nhiệm kỳ, và nay là ngoại giao kinh tế với định hướng chiều sâu, chất lượng cao hơn đã hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Việc này cũng tạo điều kiện để Việt Nam thu hút nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực công nghệ mới hợp tác, đầu tư. "Đây là điều chưa từng có", ông nói.
Gần nhất, Jensen Huang, CEO Tập đoàn Nvidia - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới - đến Hà Nội mang theo cam kết muốn thiết lập "cứ điểm" và biến Việt Nam thành "quê hương thứ hai của Nvidia".
Ông Dũng đánh giá, việc các "ông lớn" công nghệ thế giới tới Việt Nam và đặt vấn đề đầu tư thời gian qua, cho thấy chiến lược ngoại giao kinh tế đã chuyển hướng sang chất lượng cao hơn, hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới như chip bán dẫn.
2023 là năm đối ngoại rất sôi động, phong phú, thiết thực và hiệu quả, theo đánh giá của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, hôm 5/12.
Ngày càng nhiều các tập đoàn lớn tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội, đặt nền móng đầu tư, theo góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho thấy "một không gian phát triển mới của Việt Nam từ sau Đại hội XIII". Trong bối cảnh khó khăn, biến động khó lường của kinh tế thế giới, Việt Nam đã ứng vạn biến, biến nguy thành cơ, khắc phục khó khăn.
"Chúng ta đã không còn 'đóng cứng' như trước, mà cởi mở hơn, mang tâm thế mới hơn. Cải cách thể chế cũng có nhiều thay đổi trong 3 năm qua - quãng thời gian cực kỳ bất thường của kinh tế thế giới, Việt Nam", ông Thiên nhận xét.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 11 tháng 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư) đạt gần 29 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2022.
Quảng Ninh là địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất nước 11 tháng, đạt trên 3,1 tỷ USD. TP HCM và Hải Phòng đứng thứ hai và ba, lần lượt là 3,08 tỷ và 2,9 tỷ USD.
Lũy kế đến 20/11, Việt Nam có 38.844 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 462,4 tỷ USD; vốn thực hiện 294,2 tỷ USD.
Tuy vậy, thể chế, chính sách cần cải cách hơn nữa trong nửa cuối nhiệm kỳ, nếu Việt Nam muốn tăng trưởng tốt hơn, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên.
"Cần đánh giá lại để phát hiện ra những vấn đề của nền kinh tế. Kinh tế sáng nhưng sáng ra sao? Vì sao doanh nghiệp vừa qua rời bỏ, đóng cửa nhiều đến vậy?", ông Thiên đặt vấn đề.
Ông Trần Đình Thiên dẫn chứng vừa qua, trong câu chuyện về đầu tư công, phát triển kinh tế tư nhân hay sự gay go của hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết và đạt kết quả, nhưng vẫn còn nhiều việc chưa làm được.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng cải cách thế chế là một trong những thách thức đặt ra cho Việt Nam giai đoạn tới, bởi đây là yếu tố then chốt quyết định khả năng chống chịu của kinh tế.
"Chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo an toàn pháp lý cho bộ máy, đây là vấn đề rất quan trọng", ông Dũng nhìn nhận.
Theo ông, nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm như vừa qua, kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn. "Cái gì đúng, thủ tục đúng thì làm, không nên chính trị hóa những chuyện liên quan đến nền công vụ", ông nói.
Anh Minh