Sở dĩ tôi tin tưởng ở ống nhựa Tiền Phong, bởi đây là một sản phẩm thuần Việt, đã khẳng định uy tín về chất lượng sản phẩm, nó còn là một thương hiệu đi cùng năm tháng, đọng lại trong tâm trí tuổi thơ của tôi...
Đôi dép xa xỉ năm xưa của nhựa Tiền Phong
Vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, tôi mới là một cậu thiếu niên chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Ngày ấy, biểu tượng thời trang thời bao cấp của những người có điều kiện là mặc quần áo theo kiểu "quân khu" gồm: Mũ cối Trung Quốc; quần gabadin hoặc quần kaki vải xanh chéo; áo bay Liên Xô màu cỏ úa hoặc áo Nato (kiểu áo nhà binh). Có bộ quần áo như vậy rồi thì nhất thiết phải sắm thêm đôi "gò trắng" (dép nhựa Tiền Phong màu trắng có quai hậu) thì mới đúng mốt, thể hiện là dân chơi "bộ đội" thứ thiệt.
Với điều kiện kinh tế của gia đình tôi lúc ấy, ăn còn không đủ no, mặc còn chưa đủ ấm, thì việc sở hữu một đôi dép "gò trắng" quả là rất xa xỉ. Chỉ có những người làm trong Xí nghiệp nhựa Tiền Phong hoặc có tiêu chuẩn thì mới được mua theo giá phân phối. Còn giá chợ đen có khi lên tới 1 chỉ vàng một đôi.
Nhưng tuổi trẻ thì luôn muốn đua đòi bằng bạn bằng bè. Dịp nghỉ hè, một đứa bạn cùng lớp có bố là chủ thầu xây dựng rủ tôi đi làm thêm. Tôi đồng ý đi làm phụ hồ để góp tiền mua bằng được đôi "gò trắng". Song tích cóp mãi mà cũng không đủ tiền, nên đành phải mua đôi "gò trắng" cũ, phải gọi là "gò vàng" mới đúng, vì nhựa đã ngả màu.
Thế hệ chúng tôi trở về trước là thế hệ "ăn chắc mặc bền", một sản phẩm có giá trị như đôi dép nhựa Tiền Phong, ngoài yếu tố thẩm mĩ, mẫu mốt, thì tuổi thọ phải được đặt lên hàng đầu.
"Gò trắng" chính hiệu do Tiền Phong sản xuất rất bền, có thể đi chơi, lao động, thậm chí lũ choai choai chúng tôi còn xỏ "gò trắng" thay giầy đá bóng mà không bị đau chân vì nhựa rất mềm.
Nhiều người giữ gìn, chỉ xỏ "gò trắng" để đi chơi, hội hè; xong việc lại lau rửa cất đi nhằm kéo dài tuổi thọ, tránh bị ố vàng. Khi dép đã chuyển sang màu vàng, thì dùng mẹo ngâm với nước nóng, kỳ cọ xà phòng để trắng được tý nào, hay tí ấy...
Tôi còn nhớ đôi "gò trắng" cũ của tôi, do dùng lâu ngày nên khi vận động mạnh là bị tuột quai, mỗi lần vậy, chỉ cần lấy đầu chìa khóa, dí vấu quai vào lỗ xỏ ở đế dép là lại sử dụng bình thường. Song dù bền đến mấy, thì dép cũng có tuổi thọ nhất định.
Đôi "gò trắng" thường hay bị đứt ở nút vấu quai dép, phần khóa nhôm ở quai hậu... Nếu những vết đứt đơn giản, thì có thể nung chiếc dao lên lửa cho nóng là tự hàn được. Còn nếu phức tạp, phải chắp vá, gia cố thêm, thì mang ra thợ. Thời ấy, có rất nhiều thợ hàn dép và các đồ dùng nhựa ngồi ở khu vực đầu ô Cầu Dền, hay khu vực Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội...
Đồ nghề của họ là các mũi dùi đủ hình dạng cùng một chiếc bếp dầu hỏa để nung nóng mũi dùi. Họ sử dụng chính nhựa từ những đôi dép Tiền Phong thải loại, cắt ra từng mẩu nhỏ để vá víu, chắp nối vào phần bị đứt, rất thẩm mĩ mà chắc chắn.
"Gò trắng" không thể sử dụng được nữa, vẫn có thể bán lại cho đồng nát để tái sinh, vì "gò trắng" được Tiền Phong làm từ nhựa nguyên chất, khác với các sản phẩm hàng nhái thời đó được làm bằng nhựa pha tạp.
Được biết, Nhà máy nhựa thiếu niên Tiền Phong, tiền thân của Công ty cổ phần nhựa thiếu niên Tiền Phong ngày nay hình thành từ phong trào kế hoạch nhỏ của thanh thiếu niên thời ấy và chính thức thành lập vào ngày sinh nhật Bác Hồ (19-5-1960). Ban đầu, sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm nhựa phục vụ thiếu niên - nhi đồng.
Nhưng sản phẩm "vàng" làm nên thương hiệu nhựa Tiền Phong là đôi "gò trắng". Trải qua 63 năm hình thành và phát triển, nhất là giai đoạn chuyển sang cơ chế thị trường, nhà máy đã chuyển hướng kinh doanh, đến năm 2004 thì cổ phần hóa và chuyển tên thành Công ty cổ phần nhựa thiếu niên Tiền Phong như hiện nay.
Với phương châm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tôi chọn thương hiệu mang tên Tiền Phong. Tôi tin rằng, trong tương lai, Tiền Phong sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành niềm tự hào thương hiệu Việt.
Chia sẻ về những thương hiệu bạn yêu thích, hay chính quá trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp bạn để có cơ hội nhận được giải thưởng lên đến 30 triệu đồng.