Cùng lúc hai phim Việt có chủ đề ngoại tình, người thứ ba xen vào một mối quan hệ đều gây sốt màn ảnh nhỏ và bị khán giả phản ứng và chỉ trích: phim Yêu trước ngày cưới (trên VieON) đang phát tập thứ 10, Đánh cắp số phận (Đài THVL) đang ở tập 19.
Chưa được đón nhận rộng
Yêu trước ngày cưới bị phản ứng vì tình 10 năm không bằng một lần chạm mặt và chi tiết nữ chính đồng ý qua đêm với nam chính để được giảm 1 tỉ tiền nhà.
Còn phim Đánh cắp số phận, ngoài việc kịch bản bị cho là đạo nhái phim Hàn Quốc, tình tiết cũ rích, phim bị chỉ trích mạnh mẽ một phần khi xây dựng một câu chuyện đậm tính drama: em gái song sinh cướp chồng của chị.
Các "mọt" phim bình luận: "Lúc có tất cả, ổng bỏ người đồng cam cộng khổ, đàn ông bạc thật", "bao biện cho chuyện ngoại tình", "cổ vũ, bày đường cho người thứ ba"... (phim Yêu trước ngày cưới); "đạo diễn tào lao", "coi mà sôi máu" (phim Đánh cắp số phận).
Có khán giả "vừa coi vừa tức nhưng vẫn phải coi để xem ác giả ác báo không", thậm chí có người đòi tẩy chay hai bộ phim này.
Vì sao phim khai thác chủ đề ngoại tình hoặc người thứ ba trong mối quan hệ vừa dễ hot vừa dễ gây tranh cãi? Thậm chí diễn viên nào đóng vai tiểu tam lập tức trở thành người bị khán giả ghét, bị ném đá trên màn ảnh truyền hình. Các diễn viên Kim Oanh, Thu Quỳnh, Thanh Hương, Ngọc Lan... là ví dụ.
Biên kịch Phạm Hạ Thu cho rằng khi khai thác chủ đề này, phản ứng và suy nghĩ đầu tiên của những nhà biên kịch như chị là đang viết về một vấn đề tiêu cực, không được xã hội đồng tình.
Trong mắt khán giả, các cô tiểu tam dù có đẹp, có giỏi, hay các mối tình vụng trộm đó có lãng mạn hay bất kỳ lý do chính đáng nào cũng đi ngược lại đạo đức con người.
Với đạo diễn Võ Thạch Thảo, đây là một đề tài nhạy cảm và thường gây tranh cãi, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác.
Tuy nhiên, ở nước ta, xã hội và văn hóa truyền thống thường nhấn mạnh vào giá trị gia đình và lòng chung thủy, vì vậy chủ đề này có thể chưa được đón nhận rộng rãi và thậm chí gặp phản ứng mạnh từ một bộ phận khán giả.
"Các mối quan hệ phức tạp như vậy thường tạo ra những tác động tiêu cực không chỉ cho các cá nhân liên quan mà còn cho gia đình và xã hội", đạo diễn Võ Thạch Thảo nói.
Khán giả Việt Nam có trầm trọng hóa?
Khán giả Thúy Vinh (Hà Nội) phát biểu: "Khán giả Việt Nam cứ trầm trọng hóa vấn đề. Phim Hàn, phim Thái người ta khai thác chủ đề này đầy ra và vẫn thành công đó thôi".
Ngay tựa phim đã đưa ra một mệnh đề đó là "yêu trước ngày cưới". Nếu trước khi cưới có một tình huống xảy ra làm bạn đặt câu hỏi lại mối quan hệ hiện tại, thậm chí có thể mang đến cho bạn một trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt, bạn sẽ lựa chọn thế nào? Lựa chọn là kết quả, trải nghiệm suy tư, cảm xúc là hành trình.
Đạo diễn Võ Thạch Thảo khẳng định Yêu trước ngày cưới không cổ xúy ngoại tình mà đưa ra những tình huống thực tế, giúp họ nhìn nhận lại thực tại của bản thân.
Trước phản ứng của khán giả với Yêu trước ngày cưới, đạo diễn Võ Thạch Thảo nói với Tuổi Trẻ rằng "chủ đề ngoại tình vẫn là một điểm nhạy cảm trong văn hóa thưởng thức phim ở ta".
Và "dù phim Hàn Quốc và Thái Lan với các chủ đề tương tự có thể thành công, điều này không đồng nghĩa với việc mọi khán giả tại mọi quốc gia đều có phản ứng tương tự".
Đó cũng là lý do "nếu các nhà làm phim khai thác không khéo léo và vô tình cổ xúy cho điều này thì chuyện bị khán giả ném đá hay quay lưng là lẽ đương nhiên", biên kịch Phạm Hạ Thu nhận định.
Theo chị, nếu có những câu chuyện nhân văn, nhân quả, mang tính xây dựng và hấp dẫn thì phim về chủ đề này vẫn nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Biên kịch Phạm Hạ Thu dẫn chứng phim Hai người vợ - phim được khán giả đón nhận, dù có rất nhiều bình luận bức xúc với tiểu tam Dạ Thảo. Chị cũng đang viết kịch bản cho một phim về chủ đề này và dự kiến sẽ lên sóng trong thời gian tới.
Đạo diễn Võ Thạch Thảo nói khán giả Việt Nam có thể khắt khe hơn đối với chủ đề ngoại tình, nhưng điều này cũng phản ánh sự đa dạng trong quan điểm và kỳ vọng của họ đối với các sản phẩm phim ảnh.
Sự thành công của phim với chủ đề nhạy cảm không chỉ phụ thuộc vào nội dung, mà còn cả cách thức thể hiện và giao tiếp với khán giả.
Đề tài ngoại tình cũng là một trong những đề tài thuộc hiện thực cuộc sống, nếu làm hay vẫn diễn tả được sâu sắc những câu chuyện, những vấn đề thuộc về con người.
Đạo diễn Võ Thạch Thảo đặt vấn đề: "Khán giả nên chăng có một cái nhìn rộng mở hơn, xem đề tài này cũng như bất cứ đề tài nào khác?". Bởi đây là đề tài rất thực tế, giúp bản thân người xem nhìn thẳng vào vấn đề, vào bản chất các mối quan hệ và đích đến cuối cùng là làm mình thực sự hạnh phúc.
Phim tiểu tam hot ở Hàn, Thái
Có nhiều phim Thái Lan lẫn Hàn Quốc khai thác chủ đề về ngoại tình, hoặc người thứ ba xen vào một mối quan hệ gây hot; có phim thành phim hay nhất năm, khiến khán giả "mất ăn mất ngủ", phải "đu" phim bằng mọi giá.
Ở Hàn Quốc, có thể kể ra một số phim như Show Window: The Queen's House (Phía sau khung cửa sổ), VIP (Vị khách VIP), Thirty Nine (Tuổi 39), Penthouse: War in life (Cuộc chiến thượng lưu), The World Of The Married (Thế giới hôn nhân), Eve's Scandal (Thiên nga bóng đêm), Doctor Cha (Bác sĩ Cha), Red Balloon (Tham vọng rực đỏ)...
Ở Thái, ví dụ như The Fault, Dear Friend (Tình yêu không có lỗi, lỗi ở bạn thân), The Betrayal (Phản bội), Krachao Seeda (Đóa hoa tham vọng), Flash Marriage (Hôn nhân chớp nhoáng)...
Nhà bà Nữ, Oppenheimer, Chị chị em em 2, Đất rừng phương Nam... đứng đầu về lượt tìm kiếm phim chiếu rạp trên Google tại Việt Nam năm nay.