Tại hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực chiều 12-12 tại tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng số lượng các dự án hợp tác Nam - Nam (hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển) trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng”, ông Hoan nói.
Tại hội thảo, ông Oemar Idoe - phó giám đốc quốc gia Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam - cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về sản xuất lúa gạo, có những kinh nghiệm lớn về lĩnh vực này có thể chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Phi trong quan hệ hợp tác Nam - Nam.
“Một trong những hợp tác quan trọng đang diễn ra đó là sự hỗ trợ, chia sẻ các giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp xanh, phát thải thấp mà nông dân Việt Nam chia sẻ với nông dân các nước châu Phi.
Trong hợp tác Nam - Nam, GIZ có hơn 30 quốc gia châu Phi cùng hợp tác để chia sẻ những bài học kinh nghiệm để hướng tới phát triển bền vững”, ông Oemar Idoe nhấn mạnh.
Nâng cao thu nhập người trồng lúa
Trong các hoạt động tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, chiều 12-12 thành viên Tập đoàn PAN đã ký kết biên bản hợp tác với Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II về xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các bên sẽ kết hợp xây dựng bộ giải pháp kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao thu nhập người trồng lúa.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.