53,3km đường sắt đô thị nối dài từ TP.HCM về tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai được kỳ vọng giúp người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng Đông Nam Bộ. Như vậy, metro sẽ không chỉ dừng ở Suối Tiên mà còn nối về các tỉnh lân cận. Khi hoàn thành, người dân từ TP.HCM dễ dàng đi metro về tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương (và ngược lại).
Từ metro số 1 đi Bình Dương, Đồng Nai
Cụ thể, theo báo cáo của đơn vị tư vấn TEDISOUTH, điểm đầu tuyến được kết nối từ sau ga bến xe Suối Tiên của tuyến metro số 1. Từ đây có nhánh về hướng Đồng Nai kết thúc tại depot dự kiến thuộc xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Nhánh còn lại nối lên Bình Dương, kết thúc tại depot dự kiến thuộc phường Phú Chánh (TP Tân Uyên). Với phương án này, tổng chiều dài tuyến phát triển thêm dài 53,3km.
Trong đó, đoạn tuyến từ sau ga bến xe Suối Tiên đến ga S0 - Bình Thắng (là ga nối ghi giữa hai hướng tuyến đi Bình Dương và Đồng Nai) là 1,8km. Từ sau ga bến xe Suối Tiên tiếp tục đi trên cao dọc bên phải xa lộ Hà Nội (quốc lộ 1 phía bắc đoạn Ngã Ba Vũng Tàu đến nút giao trạm 2) vào ga S0 - Bình Thắng dự kiến đặt trước nút giao Tân Vạn. Tại ga S0 sẽ triển khai tiếp hai đoạn tuyến độc lập đi qua tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Đoạn về tỉnh Đồng Nai dài 20,1km gồm 11 ga và 1 depot. Đoạn này đi trên cao từ ga S0 dọc theo xa lộ Hà Nội và kết nối nhiều điểm đô thị quan trọng của Đồng Nai như đường Amata (Biên Hòa) rồi tránh cầu vượt hiện hữu và đi cao vào giữa đường quốc lộ 1, giao với tuyến đường sắt Thống Nhất hiện hữu kết nối với khu vực công viên 30-4... và kết thúc ở khu vực depot tại xã Hố Nai 3.
Đối với đoạn về tỉnh Bình Dương dài 31,35km gồm 14 ga và 1 depot. Hướng tuyến đi chung hành lang cùng tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng và tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Sau đó, đoạn tuyến vượt qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi giữa đường trung tâm hành chính TP Thủ Dầu Một vào trung tâm TP Thủ Dầu Một. Từ đây đi về depot cuối tuyến tại phường Phú Chánh.
Theo hướng tuyến tư vấn đưa ra, cả hai đoạn kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đi trên cao, tránh ảnh hưởng công trình hầm chui, cầu vượt, nhà cửa... Ngoài ra, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tương lai, vị trí các ga thuận lợi cho số đông hành khách, cự ly giữa các ga khoảng 1km để thu hút khách ở phạm vi 500m từ tim ga.
Nhận định về phương án hướng tuyến nói trên, các chuyên gia giao thông đô thị cho rằng các địa phương liên quan phải cùng nhau xem xét về quy hoạch, hướng tuyến, quá trình triển khai thực hiện... Điều này nhằm đảm bảo việc nối dài metro đạt hiệu quả cao nhất cho từng địa phương nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Kết nối liên vùng và đi xa hơn nữa
Theo TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, quy hoạch nối tiếp metro đi các tỉnh thành lân cận là hoàn toàn hợp lý. Đường sắt đô thị với sức chở lớn liên vùng Đông Nam Bộ sẽ có vai trò tăng kết nối vùng, kích cầu du lịch, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội các đô thị trong tương lai... Dù vậy, theo ông Cương, các cơ quan cần nghiên cứu thêm, có đánh giá tác động cụ thể hơn cho từng khu vực mà metro đi qua, xem xét hướng tuyến đã thật sự phù hợp thực tế, thuận lợi để tiếp tục mở rộng trong tương lai chưa?
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức), phân tích thêm rằng phát triển metro đi liên vùng là nguyên tắc để các đô thị phát triển một cách cân bằng, bền vững và lâu dài. Vùng Đông Nam Bộ gồm có TP.HCM và năm tỉnh thành xung quanh là Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh. Trong đó, hành lang phát triển mạnh nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng với sự phát triển này, nhu cầu đi lại của người dân thông qua các địa phương ngày càng lớn và không ngừng gia tăng ở những thập niên tới. Nhiều người ở tỉnh Đồng Nai đi làm ở TP.HCM (và ngược lại), số lượng chuyến đi hằng ngày có thể lên đến hàng triệu chuyến mỗi ngày với nhiều phương tiện khác nhau như xe máy, ô tô, xe đưa rước... Trong điều kiện đó, nếu chỉ đường bộ, cao tốc được xây mới hay mở rộng cũng khó lòng đủ đáp ứng, đòi hỏi hạ tầng và phương thức đi lại phải phát triển nhanh chóng, đồng bộ kịp thời.
Do vậy, việc nối dài metro từ TP.HCM đi Bình Dương, Đồng Nai cần phải được xếp vào nhóm ưu tiên làm trước. Metro kết nối ba tỉnh thành giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ, "chia lửa" giảm tai nạn giao thông ở các tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 51, các tuyến như Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... Về mặt quy hoạch, hướng tuyến, các địa phương phải làm việc "sát cánh" cùng nhau để làm sao phù hợp nhất, đem lại hiệu quả cao nhất.
"Sau khi đã hoàn thành các tuyến kết nối kể trên, các địa phương tiếp tục tính đến phương án kết nối tiếp những tuyến nội tỉnh như nối từ Trảng Bom về sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai), nối các trung tâm hành chính của tỉnh Bình Dương... Đồng thời nghiên cứu phương án kết nối tiếp các tỉnh còn lại trong vùng như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh. Ngay từ bây giờ, các địa phương phải làm quy hoạch liên vùng, tính đến metro liên vùng chứ một vài tuyến không thể giải quyết được vấn đề", ông Tuấn nói.
Sớm xây dựng các phương án huy động tối đa các nguồn vốn
Cũng theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, tại quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 cũng đã đề cập đến nội dung metro liên kết vùng. Theo quy hoạch này, hệ thống metro kết nối vùng phải có tám tuyến.
Đó là tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM -Tây Ninh và các tuyến đường sắt chuyên dụng nối cảng Hiệp Phước và sau năm 2030 thì còn mở rộng hơn nữa.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quá trình thực hiện nối dài metro sẽ gặp không ít thách thức, nhất là về vốn. Các địa phương cần tính toán dựa trên quy hoạch, từ đó đưa ra chính sách huy động nguồn lực tài chính, không để tình trạng chậm hay đội vốn xảy ra. Trong đó kết hợp thêm nguồn tài chính từ khai thác mô hình TOD phát triển quỹ đất dọc ga.
"Cùng với các cơ chế mới trong nghị quyết 98, các địa phương xây dựng phương án huy động tối đa nguồn lực tài chính. Cụ thể, ngân sách dùng để thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD. Huy động vốn trong nước như phát hành trái phiếu, công trái, cổ phần, hợp tác công tư hoặc các hình thức hợp pháp khác (nếu có) và vay vốn nước ngoài...", ông Tuấn nói.
Đồng Nai đề nghị TP.HCM làm chủ đầu tư
Với việc TP.HCM đang xây dựng tuyến metro số 1, Đồng Nai nghiên cứu kéo dài tuyến metro thêm khoảng 13,5km, đoạn từ ga Suối Tiên (TP Thủ Đức) đến ngã ba chợ Sặt (TP Biên Hòa). Trong dự thảo quy hoạch giao thông thuộc quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định đây là một phần quy hoạch tuyến metro (đường sắt đô thị số 3) kết nối Biên Hòa với huyện Trảng Bom và TP Long Khánh.
Sau khi nghiên cứu báo cáo phương án đầu tư trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật hướng tuyến đã được UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Dương thống nhất. Riêng vị trí ga S2.3, đề nghị bố trí tại tuyến đường trục chính vào khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Đồng Nai ở phường An Bình.
Dù thống nhất bố trí depot tại phường Long Bình, nhưng theo cơ quan này, cần điều chỉnh lại quy mô, phạm vi để hạn chế ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng. Vị trí depot tại xã Hố Nai 3 cũng được đề nghị rà soát lại để không chồng lấn với các dự án khu dân cư, đất giáo dục, thương mại dịch vụ của địa phương.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất gộp các dự án kết nối thành một dự án chung và đề nghị UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, báo cáo Thủ tướng xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho dự án. Đồng Nai và Bình Dương sẽ chịu trách nhiệm chi trả phần kinh phí giải phóng mặt bằng trong phạm vi của địa phương.
Bình Dương chủ động chuẩn bị hạ tầng cho tuyến metro
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương này đã từng chủ động đề xuất kéo dài metro từ TP.HCM để tăng cường kết nối giao thông công cộng, phát huy hiệu quả dự án. Ngoài việc phối hợp với TP.HCM, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để bàn bạc, nghiên cứu phương án nối dài metro, Bình Dương cũng đã có những bước chuẩn bị để đồng bộ sau khi phương án được phê duyệt.
Trước mắt, Bình Dương sẽ thực hiện dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng với tổng vốn hơn 2.000 tỉ đồng nhằm kết nối Bình Dương và TP.HCM, trong đó có những hạng mục sẽ chuẩn bị cho việc nối dài metro trong tương lai.
Cụ thể, ngoài việc triển khai tuyến xe buýt nhanh (BRT) nối từ thành phố mới Bình Dương tới ga Suối Tiên (TP.HCM), dự án còn có hạng mục chiếm đa số vốn là xây sáu cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn.
Trong tương lai, khi tuyến metro được nối dài từ TP.HCM về Bình Dương, có hướng tuyến theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn, sẽ có sẵn cơ sở hạ tầng, tránh được kẹt xe tại các nút giao lớn.
Trước đó, Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký thỏa thuận cho vay. Trong đó, phía Nhật Bản sẽ giải ngân khoản vay trị giá 6,3 tỉ yen (khoảng 1.100 tỉ đồng, theo tỉ giá tại thời điểm ký kết) cho dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, phương án kéo dài tuyến metro số 1 kết nối Bình Dương và Đồng Nai sơ bộ cần 86.150 tỉ đồng (hơn 3,6 tỉ USD) từ nguồn vốn đầu tư công.