Đó là chia sẻ của bạn đọc Nguyễn Hữu Tài (từ Maryland, Mỹ). Tuổi Trẻ giới thiệu cùng bạn đọc chuyện xử lý vi phạm nồng độ cồn ở nước Mỹ.
Lỡ một lần đeo đuổi đến già...
Ở Mỹ, nếu bạn sống ở trung tâm thành phố lớn như New York, Chicago, Washington D.C, việc sở hữu ô tô có thể không cần thiết khi hệ thống tàu điện ngầm hay xe buýt bao phủ gần như mọi ngóc ngách. Ngược lại, những người sống ở ngoại ô như tôi, không có xe giống như người bị dị tật ngồi một chỗ, chẳng đi đâu hay làm gì được hết.
Và bất cứ nơi nào trên đất nước rộng lớn này, lái xe dưới sự ảnh hưởng của rượu và chất kích thích - DUI (Driving under the influence) là một tội hình sự. Nếu bị chặn lại vì lỗi lái xe với nồng độ cồn quá mức cho phép, những phiền phức mà nó mang lại từ tiền bạc, bảo hiểm, hành chính, pháp luật và cả tù tội sẽ đeo bám suốt cuộc đời.
Ở hầu hết các bang của Mỹ và Maryland, nơi tôi ở, định mức vi phạm là 0.08 BAC (Blood alcohol content) - 80mg/dL trong máu (khoảng nửa lít bia, 150ml vang, hay một ly nhỏ rượu mạnh). Khi cảnh sát nghi ngờ bạn uống say, họ bắt dừng xe lại và kiểm tra nồng độ cồn. Nếu vượt mức quy định, bằng lái của bạn sẽ bị thu hồi.
Cảnh sát sẽ cho bạn bằng tạm 45 ngày để chờ ra tòa phân xử. Vài ngày sau đó, hàng trăm lá thư từ các văn phòng luật sư sẽ được gửi tới nhà để quảng cáo dịch vụ tốt nhất. Bạn sẽ phải tìm cho mình một luật sư với chi phí cỡ vài ngàn USD. Khi ra tòa, mức phạt cho lần đầu tiên vi phạm sẽ lên tới 1 năm tù giam, 1.000 USD tiền phạt và hủy bằng lái trong vòng 6 tháng.
Nếu trong xe khi ấy có trẻ vị thành niên, hình phạt sẽ tăng gấp đôi. Mức phạt cho lần thứ 2 (trong vòng 5 năm) sẽ tăng gấp đôi. Lần 3 sẽ là gấp 5. Nếu tai nạn xảy ra khi có DUI thì mọi thứ sẽ càng tệ hơn nữa.
Bảo hiểm sẽ từ chối bán cho bạn hoặc bán với một giá cao ngất ngưởng. Công ăn việc làm hay cơ hội thăng tiến sẽ bị ảnh hưởng. Bạn sẽ liên tục gặp luật sư, ra tòa, đi học lại chương trình rượu bia. Có thể bạn vẫn được lái, nhưng lên xuống phải thổi vào máy gắn trong xe để khởi động.
Bạn sẽ xếp hàng chờ đợi liên tục ở DMV hay MVA (sở quản lý cơ giới), mong được cấp bằng mới. Với những người nhập cư, cơ hội được vào quốc tịch sẽ trở nên mong manh hơn với vết nhơ này.
Lai rai phải có kế hoạch
Thời trai trẻ, cuối tuần, chúng tôi thường hay đi club để uống rượu và nhảy nhót. Cũng chẳng đứa nào lái xe. Nếu có thì tụ tập đi chung. Và chắc chắn trong nhóm sẽ có một đứa trai/gái ngoan, cả đời không biết bia rượu là gì (nhưng vẫn ham vui và thích nhảy).
Khoảng một tiếng trước khi quán đóng cửa, quầy bar sẽ không bán thức uống có cồn. Nhân viên đi lòng vòng, thu dọn ly tách, chẳng cho uống nữa. Đây là khoảng thời gian "giải rượu", đủ tỉnh táo để về nhà dù là người khác lái.
Dân nội ô, sau mỗi bữa làm, thường sẽ tới các pub hoặc bar uống vài ly, ăn tối, giao lưu với bạn bè, rồi đi tàu, buýt hoặc Uber về như thường lệ. Riêng dân ngoại ô chúng tôi, việc đó khó hơn khi các quán rượu nằm khá xa nhà. Uống xong, say xỉn, tốn thêm mớ tiền đi taxi về, tuần vài lần chắc cháy túi!
Vậy nên, hầu như trong nhà người nào cũng có sẵn bia rượu. Đi làm về, buồn đời, mở tivi hay điện thoại, nốc vài chai, rồi vô ngủ, mai đi làm. Nói nào ngay, đó là thói quen của hầu hết đàn ông xứ Mỹ để giảm áp lực cuộc sống.
Bên này, mọi thứ tiệc tùng như sinh nhật hay gặp gỡ bạn bè đều sẽ rơi vào cuối tuần. Người Việt ở Mỹ vốn thảo ăn, thức ăn nấu nướng bày đầy bàn. Khách tới, chủ yếu mang rượu bia. Quan trọng là sau cả tuần mệt mỏi, vất vả với công việc đầy căng thẳng, những người xa quê sống ở các thành phố hay tiểu bang khác nhau có thể tụ tập ngồi lại tâm sự, nói cười, kể cho nhau nghe những chuyện xa xưa bên nhà.
Với những người có gia đình, chắc chắn sẽ chở vợ con theo. Chồng có nhậu say, vợ sẽ là người lái về. Con cái sẽ là "thành lũy cuối cùng" để thuyết phục cha nó nhậu ít đi một chút. Người độc thân như tôi, chẳng ai đi Uber tốn vài trăm bạc. Cứ lái xe tới, chủ nhà sẽ có chỗ cho ngủ lại để nhậu thiệt say mới dừng. Lâu lâu mới gặp mà, tàn tiệc sớm chủ buồn. Với lại cho lái về, chẳng may bị phạt hoặc bị tai nạn, chắc chủ nhà ân hận cả đời quá!
Nhiều nước phạt tù tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép
Hàn Quốc là quốc gia châu Á duy nhất có trong danh sách 10 quốc gia có tỉ lệ người sử dụng và nghiện rượu cao nhất năm 2023 (theo trang thống kê World Population Review). Nhưng ở đất nước này, người lái xe khi say xỉn có thể đối mặt với án tù.
Tài xế từ chối kiểm tra nồng độ cồn có thể bị phạt tù từ 1-5 năm hoặc đóng phí phạt mức tương đương 3.800 - 15.000 USD. Nếu nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện vượt quá 0,2%, mức phạt nâng lên từ 2-5 năm tù và số tiền phạt tăng thành 7.600 - 15.000 USD.
Tại Nhật Bản, tài xế có nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít hơi thở (tương đương một ly bia) có thể bị phạt tù lên tới 3 năm và khoảng 4.500 USD. Trong khi ở Singapore, người vi phạm lần thứ 2 sẽ bị phạt tù từ 6-12 tháng và 2.200 - 7.450 USD; vi phạm đến lần thứ 3 sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn, phạt 22.350 USD và 3 năm tù.
Tại Trung Quốc, quy định tài xế có nồng độ cồn từ 20 - 80mg/100ml máu bị xử phạt ở mức từ 140 - 280 USD và tạm giữ bằng lái 6 tháng. Người có nồng độ cồn lớn hơn mức nói trên sẽ bị tịch thu bằng lái, cấm thi bằng lái trong 5 năm và tạm giữ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật pháp Malaysia, vợ hoặc chồng của người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 0,05% cũng có thể bị phạt tù tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Tài xế chuyên nghiệp ở Philippines không được phép có nồng độ cồn vượt quá 0,01% và tài xế không chuyên là 0,05%. Người vi phạm có thể bị phạt từ 900 - 9.000 USD cùng mức án tù ít nhất 6 tháng tùy theo mức độ.
Thái Lan quy định tài xế chuyên nghiệp khi lái xe không được phép sử dụng rượu bia, đối với tài xế không chuyên thì nồng độ cồn không vượt quá mức 0,05%. Nếu vi phạm sẽ bị phạt khoảng 5.600 USD và phạt tù lên đến 10 năm.
Các quán nhậu xuyên đêm ở Thái Lan phải cung cấp máy kiểm tra hơi thở, đồng thời mở khu vực giải rượu cho những hành khách lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định.