Sáng 13-12, kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X tiếp tục với chương trình thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Lê Văn Dũng (đơn vị quận Hải Châu) đã có những ý kiến liên quan đến giải pháp thoát nước đô thị Đà Nẵng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan. Vấn đề ngập nước đô thị được bà con cử tri quan tâm, phản ảnh nhiều tại các đợt tiếp xúc cử tri.
Đầu tư một số hướng thoát nước mới ra sông, vịnh
Qua các đợt mưa lớn cho thấy tình trạng ngập nước ở một số khu vực có xu hướng phức tạp. Theo thống kê các đợt mưa năm 2022, 2023, trên địa bàn thành phố có khoảng 50 điểm ngập nước.
Trong đó có một số khu vực ngập nặng như đường Mẹ Suốt, cầu Đa Cô, Yên Thế - Bắc Sơn - Tôn Đức Thắng, Hà Huy Tập - Trần Xuân Lê...
Ông Dũng nêu ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có việc hệ thống thoát nước thành phố và các hồ điều tiết đã có tình trạng quá tải.
Đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng bê tông hóa, một số dự án thoát nước chính chưa thi công hoàn thành.
Bên cạnh đó tình trạng thời tiết biến đổi cực đoan. Mạng lưới thoát nước chính chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên (gần sông, vịnh) sớm thoát nước ra sông, vịnh.
Các tuyến thoát nước đi lòng vòng, kéo dài, tập trung về cùng khu vực cửa xả dẫn đến xung đột, cản trở dòng lẫn nhau, làm giảm hiệu quả thoát nước.
Để giải quyết tổng thể tình trạng ngập nước, theo ông cần có nguồn lực lớn và thời gian kéo dài. Trước mắt bên cạnh nạo vét, khơi thông, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các tuyến thoát nước chính dở dang, thành phố cần ưu tiên dành nguồn lực triển khai ngay xử lý một số vị trí.
"Cần đầu tư một số hướng thoát mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát hiện trạng và khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển" - ông Dũng đề xuất.
Cụ thể mở mới tuyến cống dọc theo đường Hà Huy Tập, Hà Khê ra vịnh Đà Nẵng, giải quyết thoát nước cho khu vực sân bay Đà Nẵng từ hồ Đầm Sen ra vịnh. Mở mới tuyến cống dọc theo đường Phùng Hưng ra vịnh sẽ giải quyết thoát nước cho lưu vực kênh Đa Cô để giảm lượng nước tập trung về kênh Phú Lộc.
Việc làm nữa là xử lý thoát nước sân bay, cần làm việc với sân bay Đà Nẵng để thống nhất phương án cải tạo lắp đặt các cửa phay điều tiết lượng nước thoát từ sân bay ra khu vực Phần Lăng, Hà Huy Tập, kiệt 96 Điện Biên Phủ, hồ 3 Sen Vàng, cống Lê Kim Lăng... nhằm hạn chế tình trạng ngập nước các khu vực dân cư.
Kế hoạch đầu tư công 2024 chưa có dự án xử lý chống ngập
Theo ông Dũng, cần mở rộng kênh Nguyễn Nhàn và Cống Quỳnh đảm bảo khả năng thoát nước. Bổ sung thêm nhánh thoát ra sông Cẩm Lệ dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ hoặc đấu vào hồ điều tiết công viên Thanh Niên để ra sông Cẩm Lệ, nhằm phân lưu bớt cho Cống Quỳnh.
Ông cũng đề xuất thành phố bổ sung đưa vào kế hoạch chuẩn bị đầu tư năm 2024, hiện nay kế hoạch đầu tư công năm 2024 chưa có dự án xử lý chống ngập, đã góp ý vào điều chỉnh danh mục công trình trọng điểm. Thành phố cần tiếp tục tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các dự án chống ngập nước.
Trong đó cần nghiên cứu các kiến nghị đề xuất về thoát nước đô thị, xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai từng bước các giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề ngập nước đô thị.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết - chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng - cho biết vấn đề này bà con cử tri quan tâm, nguyên nhân có cả khách quan, chủ quan, nhưng rõ ràng thành phố sẽ tập trung có giải pháp để khắc phục.
Ông Triết cũng đề nghị Sở Xây dựng cần tập trung, có giải pháp đồng bộ từ khâu đầu tư kinh phí mua sắm, đầu tư công trình dự án đến khâu quy hoạch, cả khâu tuyên truyền vận động sự tham gia của người dân. Cần ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm các khu vực sớm, không đầu tư dàn trải.
Trận mưa kéo dài chừng 1 giờ vào chiều 24-10 có lưu lượng không đáng kể so với đợt mưa trước đó nhưng trên nhiều đoạn đường ở Đà Nẵng vẫn gặp tình trạng lênh láng nước.