Năm 2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.
Hướng tới Net Zero, Việt Nam đã nỗ lực và hiện thực hóa thông qua các chính sách, như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm hướng đến Net Zero bằng Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch Quy hoạch điện VIII hướng đến các mục tiêu đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than, phát triển hợp lý nguồn điện khí sử dụng LNG và sử dụng các nguồn điện sinh khối.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Mỹ Hằng Phương - Trưởng nhóm nghiên cứu PSDI, Học viện Chính sách và Phát triển, mặc dù câu chuyện về chính sách nóng như vậy, nhưng việc truyền thông câu chuyện Net Zero tới đối tượng là động lực chính trong quá trình chuyển đổi và đối tượng thụ hưởng là người dân còn chưa mạnh.
"Theo Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, kết quả khảo sát với 400 doanh nghiệp về mức độ nhận thức đối với các chính sách, cơ chế liên quan giảm phát thải và thị trường carbon cho thấy, 41% doanh nghiệp không biết đến một trong những chính sách được hỏi liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó, chưa đến 20% doanh nghiệp nắm rõ chính sách về các nội dung liên quan đến giảm phát thải, đồng nghĩa 80% doanh nghiệp chưa nắm rõ các chính sách này", TS Phạm Mỹ Hằng Phương cho biết.
Cũng theo TS Phạm Mỹ Hằng Phương, về phía người dân, theo Khảo sát nhận thức của người dân Việt Nam về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, chỉ có khoảng 30% người dân Việt Nam biết đến khái niệm Net Zero. Trong số những người biết đến, chỉ có khoảng 20% hiểu rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Net Zero.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong 2 năm gần đây, truyền thông về Net Zero có nhiều thay đổi, với nhiều chương trình, bài báo về tăng trưởng xanh, Net Zero, biến đổi khí hậu… trên các phương tiện truyền thông.
Đây là một bước đi tích cực bởi theo TS Phạm Mỹ Hằng Phương "truyền thông chính sách chính là giải pháp để người dân hiểu và tin tưởng vào chính sách công. Vì vậy, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai cam kết của Việt Nam về tăng trưởng xanh và Net Zero".
Phát biểu trong phiên tọa đàm thứ 2 "Đòn bẩy chính sách" tại Hội thảo Net Zero: Chuyển dịch Xanh – cơ hội người dẫn đầu" do Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định tầm quan trọng của công tác truyền thông với mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
"Chiến lược tăng trưởng xanh nay được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết của Việt Nam. Hàng loạt chính sách tăng trưởng xanh đã bắt đầu hình thành. Công tác truyền thông cũng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng xanh", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Hội thảo "Net Zero: Chuyển dịch Xanh – cơ hội người dẫn đầu" đã thu hút hơn 300 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các cơ quan truyền thông báo chí, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
"Trong quá trình tổ chức, liên hệ, tham khảo ý kiến của các bên liên quan, từ các Bộ ngành (hiện nay có đến 6-7 cơ quan Bộ ngành đang trực tiếp liên quan đến vấn đề Net Zero này) và các doanh nghiệp thì họ rất quan tâm và rất muốn nói về chủ đề này.
Cho nên, trong một khán phòng với lượng khách mời ở mức hữu hạn, 250 - 300 người, nhưng những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều có mặt và cả những tổ chức quốc tế cũng cử đại diện tham gia các phiên thảo luận trong Hội thảo của chúng tôi. Đó là một tín hiệu tích cực", ông Đinh Trần Việt, Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTVDigital), Đài truyền hình Việt Nam cho biết.
Diễn ra giữa tháng 6/2023, tuy nhiên Hội thảo "Net Zero: Chuyển dịch Xanh – cơ hội người dẫn đầu" không là sự kiện đầu tiên về Net Zero mà VTVDigital thực hiện. Viên gạch đầu tiên phải kể đến là "Tạp chí Kinh tế đặc biệt: Hành trình Net Zero 2023", phát sóng dịp Tết Âm lịch, tháng 1/2023.
"So với những câu chuyện về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Net Zero lại chưa thực sự được dư luận quan tâm. Từ "hiểu" tới "hành động" là một hành trình dài và vì thế, khai phá được chủ đề này càng sớm, thì hiệu ứng lan toả sẽ càng tích cực", nhà báo Trần Hà, Trưởng phòng Kinh tế của VTV Digital chia sẻ.
Chương trình đã ghi nhận những câu chuyện về chuyển đổi xanh từ "cánh đồng lúa "1 phải, 5 giảm" vừa hạn chế phát thải, vừa tăng năng suất, những cánh rừng đã bán thành công các tín chỉ carbon, những doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để tối ưu quy trình sản xuất, giảm phát thải, những chú bò thải phân… không phát thải, hay cả những chính sách còn vướng trong phát điện tái tạo, hay tín dụng xanh…
"Đó đều là những câu chuyện sát sườn với doanh nghiệp và nền kinh tế xanh của Việt Nam. Vì thế với chúng tôi khi chọn Net Zero không phải đề theo trend mà đang đề cập tới một vấn đề thật sự thời sự nhưng lại chưa được quan tâm chú ý nhiều", nhà báo Trần Hà nói thêm.
Trả lời câu hỏi về truyền thông cho chuyển đổi xanh, TS Phạm Mỹ Hằng Phương - Trưởng nhóm nghiên cứu PSDI, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, dù đã có nhiều tín hiệu tốt nhưng truyền thông về tăng trưởng xanh vẫn còn những hạn chế nhất định.
Thời sự nhưng lại không dễ hiểu, theo bà Trần Hà cũng là thách thức của ê kip sản xuất các chương trình về Net Zero. Làm thế nào để "mềm hóa" những khái niệm như trung hòa carbon, tín chỉ carbon, năng lượng tái tạo… bằng hình ảnh, số liệu và câu chuyện luôn là rất hóc búa bởi nhóm sản xuất đều biết rằng, chỉ khi khán giả hiểu, bị thuyết phục thì mới có thể chú ý, hay xa hơn là thay đổi nhận thức rồi hành động.
"Chúng tôi cố gắng lý giải với câu chuyện của từng lĩnh vực kinh tế, để qua đó nhìn thấy rằng, việc chuyển đổi xanh là áp lực bắt buộc. Không chỉ là việc nếu không chuyển đổi thì sẽ không bán được tín chỉ carbon, hay phải nộp phạt, mà nếu không chuyển đổi, có thể sẽ mất bạn hàng quốc tế, hoặc mất đi cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh ưu đãi. Người xem sẽ dễ cảm nhận hơn, nếu họ thấy được thực tế Net Zero đang ngày càng tác động trực tiếp tới bát cơm hàng ngày của họ", Trưởng phòng Kinh tế của VTV Digital nhấn mạnh.
Tạp chí kinh tế đặc biệt: Net Zero đã mềm hóa với những câu chuyện thực tế trong cuộc sống để truyền tải sự cấp thiết cho xu hướng chuyển đổi xanh
Cũng để khắc phục một trong những là truyền thông Net Zero là còn chưa đủ mạnh trên các phương tiện truyền thông xã hội, trên các nền tảng số cũng như chưa thu hút được thế hệ trẻ, ông Đinh Trần Việt, Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, nhóm sản xuất các chương trình về Net Zero muốn đẩy mạnh hơn các hoạt động thông tin về Net Zero trên các nền tảng số trong thời gian tới.
"Tất nhiên, cho đến lúc này, VTV đã là một thương hiệu rất vững chắc rồi nhưng trên các nền tảng số, chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu ấy còn mạnh hơn nữa để nhiều khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ, những khán giả tương lai, những khán giả tiềm năng sẽ quan tâm đến những vấn đề rất chính thống nhưng cũng rất sát sườn trên các hạ tầng số.
Điều đó sẽ giúp giảm bớt đi những mặt trái của các thông tin trên nền tảng số thời gian qua", ông Đinh Trần Việt chia sẻ.
Về tần suất thông tin, bà Trần Hà cho biết, Net Zero tiếp tục là chủ đề cho Tạp chí kinh tế đặc biệt 2024 và sẽ là tinh thần xuyên suốt trong các bản tin của VTVDigital trong năm tới.
"Chúng tôi sẽ còn tiếp tục mở rộng chủ đề này trong năm 2024, định hướng nhiều hơn tới các giải pháp mà doanh nghiệp và cộng đồng đang tìm kiếm. Thực tế kết quả các chương trình và hội thảo Net Zero đều mang lại sức lan toả lớn", nhà báo Trần Hà chia sẻ.
Nói thêm chương trình "Hành trình Net Zero phần 2 - Dấu chân Carbon", nhà báo Trần Hà cho biết, từ những gợi mở của năm 2023, chương trình năm nay hướng tới việc đo đếm, kiểm kê khí phát thải nhà kính. Đây là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trên hành trình Net Zero bởi "muốn đi xa và bền, thì trước tiên cần biết sức mình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!