Thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Chiều 11/12, tại Cần Thơ đã diễn ra một sự kiện quan trọng với ngành lúa gạo nước ta đó là sự ra đời của Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Ông Bùi Bá Bổng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội.
Hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Làm sao để phát huy lợi thế này hơn nữa thông qua sự trợ lực của một tổ chức đủ sức liên kết các mắt xích trong chuỗi? Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam ra đời được kì vọng sẽ giải quyết được bài toán này.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng (phải) trao quyết định thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho đại diện Hiệp hội. (Ảnh: TTXVN)
Ngành hàng lúa gạo không chỉ có khâu sản xuất và phân phối sản phẩm, mà ở khoảng giữa còn nhiều mắc xích tham gia vào chuỗi. Cụ thể, nhà khoa học nghiên cứu ra các giống lúa mới, nhà cơ khí làm ra máy móc hiện đại, giúp nâng chất lượng hạt gạo hay khâu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng lúa gạo, các khuyến nghị chính sách. Vì vậy, cần một hệ sinh thái mới để liên kết tất cả cả khâu trong chuỗi.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Một hiệu ứng khi thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo này cộng với những hiệp hội chúng ta đã có như Hiệp hội lương thực để chúng ta cộng sinh lại, làm tốt hơn tạo ra giá trị hạt gạo. Thông qua đó, chúng ta định vị được thương hiệu gạo Việt Nam tốt hơn nữa trên thị trường quốc tế".
Việc thành lập Hiệp hội lần này được kỳ vọng sẽ tạo nên mối liên kết thành chuỗi ngành hàng, để giúp nông dân và doanh nghiệp phát triển bền vững, cùng định hình một chiến lược lâu dài cho ngành trong tương lai.
Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo và các phụ phẩm từ lúa; sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, công nghệ số, dịch vụ hậu cần logistics phục vụ phát triển ngành hàng.
Đơn vị đặt trọng tâm là người nông dân. Chính cách nhìn khác nhau để có sự tập trung hơn, cụ thể là thành công của ngành hàng được đánh giá từ người nông dân.
Chính phủ đã phê duyệt đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo sẽ góp phần cùng các đơn vị liên quan thực hiện thắng lợi Đề án này. Qua đây cho thấy, ngoài yếu tố lợi nhuận thì Việt Nam trồng lúa còn trên cơ sở vì trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Củng cố lại chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo
Có thể nói, sau hơn 30 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo, việc Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo ra đời lúc này là một bước đi tất yếu giúp củng cố sức mạnh và khắc phục những điểm yếu của ngành hàng chủ lực này, cũng như để cấu trúc lại tính bền vững của những mắt xích trong chuỗi ngành hàng, theo hướng đầy đặn hơn, chặt chẽ hơn để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững.
Những ngày qua tại phía Nam, thương lái đua nhau thu gom, đẩy giá lúa trong dân lên cao. Điều này khiến không ít doanh nghiệp phải hủy hợp đồng do bị lỗ, còn người dân trong nước phải mua gạo giá cao hơn. Nếu chúng ta có một hiệp hội ngành hàng đủ mạnh thì có thể hạn chế bớt tình trạng này, góp phần hài hòa lợi ích mà vẫn đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Những ngày qua tại phía Nam, thương lái đua nhau thu gom, đẩy giá lúa trong dân lên cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện Hiệp hội lương thực Việt Nam tập trung một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mà thiếu sự tham gia của các thành tố khác như đơn vị thu mua, chế biến hay người sản xuất. Do vậy, vai trò của Hiệp hội này chủ yếu là bảo về quyền lợi cho nhà xuất khẩu. Chính điều này đã gây nên sự bất bình đẳng trong việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi lúa gạo.
Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ là diễn đàn của các doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý, hợp tác xã và người dân để cùng định hình một chiến lược lâu dài. Đây cũng là một trong những chủ trương của Chính phủ để phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững.
Chưa bao giờ Việt Nam lại có thị trường xuất khẩu gạo rộng mở đến vậy, chưa bao giờ gạo Việt lại được giá đến vậy. Giống gạo của nước ta cũng vừa được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Đây chính là thời điểm chín muồi để định hình lại ngành hàng mang lợi thế quốc gia, mà xây dựng Hiệp hội riêng của ngành chính là bước đi đầu tiên.
VTV.vn - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo qua 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.18172811121213202-gnuv-neb-neirt-tahp-man-teiv-oag-aul-hnagn-ed-cul-ort-meht/et-hnik/nv.vtv