Bác sĩ Hà Anh Tuấn (khoa ngoại thận - tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 64 tuổi (trú tỉnh Tuyên Quang) đến thăm khám trong tình trạng một bên tinh hoàn to bất thường.
Bệnh nhân cho biết đã phát hiện tình trạng một bên tinh hoàn nhỏ, một bên to từ nhiều năm nay nhưng không đau đớn nên không đi khám. Khoảng 4 tháng nay, bệnh nhân thấy một bên bìu to lên rất nhanh kèm đau nên mới đến bệnh viện thăm khám.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán nam bệnh nhân mắc u tinh hoàn trái, chỉ định cắt bỏ khối u. Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ thành công khối u tinh hoàn nặng hơn 4kg. Theo bác sĩ Tuấn, đây là khối u lớn nhất được thực hiện tại bệnh viện.
"Phần lớn các khối u được tìm thấy trong tinh hoàn là do sự tích tụ chất lỏng, nhiễm trùng, sưng da hay tĩnh mạch. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, khối u đi kèm với các triệu chứng như: đau hoặc khó chịu; cứng hoặc nặng ở bìu; khó đi tiểu; tiết dịch bất thường...
Trong một số trường hợp, khối u tinh hoàn không gây bất kỳ triệu chứng nào khác và có thể vô hại. Tuy nhiên, nam giới cũng cần tới bác sĩ chuyên khoa, bởi một số tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư", bác sĩ Tuấn thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Khoa - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ung thư tinh hoàn là loại ung thư ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam, tuy nhiên lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi 15 đến 35.
"Nguyên nhân ung thư tinh hoàn hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị thay đổi. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia một cách có trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, đôi khi có một số tế bào phát triển bất thường khiến sự tăng trưởng này vượt khỏi tầm kiểm soát - những tế bào ung thư tiếp tục phân chia tạo thành khối u tinh hoàn, bệnh nhân thường tự sờ thấy trên lâm sàng", bác sĩ Khoa giải thích.
Theo các bác sĩ, những yếu tố nguy cơ gây ung thư tinh hoàn là người có tinh hoàn ẩn; có người thân trong gia đình mắc ung thư tinh hoàn; tiền sử ung thư tinh hoàn (khoảng 3% đến 4% bệnh nhân ung thư tinh hoàn sau khi được chữa khỏi có thể xuất hiện ung thư tinh hoàn ở bên còn lại).
Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đặc biệt ở vùng bìu, bẹn, dương vật, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên sâu về nam khoa để thăm khám, tránh tâm lý e ngại để bệnh tiến triển, nhiều biến chứng nguy hiểm.
TTO - Ngày 11-4, TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết khoa này vừa phẫu thuật và xạ trị cho anh N.H.T. (32 tuổi) có khối u tinh hoàn nằm trong bụng dưới.