vĐồng tin tức tài chính 365

Đề xuất nâng phụ cấp xét xử của hội thẩm từ 90.000 lên 900.000 đồng

2023-12-13 19:33

Chiều 13/12, tiếp tục phiên họp thứ 28, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Như, mức chi cho hội thẩm còn thấp, không khuyến khích được Hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử. Định mức chi phí cũ không còn phù hợp với những thay đổi của giá cả thị trường. Việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ còn chưa thống nhất. Một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định chưa được pháp luật điều chỉnh. Việc thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch còn chậm. Chi phí cho người phiên dịch, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa phát sinh một số chi phí (chi phí xét nghiệm Covid-19) pháp luật chưa quy định.

Ngoài ra, một số chi phí thực tế phát sinh nhưng pháp luật chưa quy định như: chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu, chứng cứ; chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng; chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định… gây nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng.

Từ những căn cứ nêu trên thì việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng là rất cần thiết, ông Tiến khẳng định.

Nêu một số vấn đề xin ý kiến, ông Tiến cho biết, thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được nhiều kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn Hội thẩm, Đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị tăng mức bồi dưỡng cho Hội thẩm do mức bồi dưỡng 90.000 đồng/ngày thực tế tham gia phiên tòa, ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án là rất thấp, đã không còn phù hợp, không bảo đảm quyền lợi cho Hội thẩm.

Về đối tượng được hưởng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm, có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc quy định đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...) được hưởng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm khi tham gia xét xử là phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Dự thảo pháp lệnh thể hiện theo loại ý kiến này.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Hội thẩm là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì không được hưởng phụ cấp xét xử. Việc quy định phụ cấp xét xử cho đối tượng này là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...”.

Thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban này tán thành quy định về các chi phí, gồm: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; Chi phí giám định; Chi phí định giá tài sản; Chi phí cho người làm chứng; Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật; Chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa.

Cạnh đó là một số chi phí khác theo quy định của luật hoặc pháp luật có liên quan, gồm: Chi phí cho Hội thẩm (căn cứ quy định tại Điều 88 Luật Tổ chức TAND); Chi phí tham gia phiên tòa cho người thực hiện giám định (căn cứ quy định tại Điều 44 Luật Giám định Tư pháp). Một số chi phí có tính chất tương tự với những chi phí đã được Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và luật khác quy định, gồm: Chi phí xem xét tại chỗ trong tố tụng hình sự; Chi phí tham gia phiên tòa cho người thực hiện định giá tài sản;Chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định.

Ngoài các chi phí nêu trên, dự thảo Pháp lệnh còn quy định 4 loại chi phí, gồm: (1) Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; (2) Chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, chi phí xác minh tài liệu, chứng cứ; (3) Chi phí sao chụp tài liệu; (4) Chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng.

Đa số ý kiến tán thành quy định 4 loại chi phí nêu trên, còn một số ý kiến cho rằng không quy định về 4 loại chi phí này trong Pháp lệnh, theo báo cáo thẩm tra.

Về phụ cấp xét xử của Hội thẩm, đa số Uỷ ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất như TANDTC đã lựa chọn và thể hiện trong dự thảo Pháp lệnh.

Tuy nhiên, một số mức thù lao cao hơn khá nhiều (thù lao cho người làm chứng nâng từ 50.000 đồng/1 ngày lên thành 200.000 đồng/1 ngày; phụ cấp xét xử của Hội thẩm nâng từ 90.000đ/đồng1 ngày lên thành 900.000đồng/1 ngày...). Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải căn cứ sửa đổi các mức chi và tiếp tục cân nhắc, đề xuất mức chi phù hợp, đồng thời đề nghị Chính phủ có ý kiến đối với Danh mục này.

Đề cập nội dung trên sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nói “với người làm chứng, báo cáo các đồng chí là chúng ta cần công lý, động viên người ta. Không phải người ta cần 200.000, người ta rất sợ khi phải ra tòa làm chứng, nhất là vụ án hình sự. Cho người ta 50.000 đồng người ta đã chán rồi, cho 2 triệu có khi người ta cũng không muốn nhận, chứ đừng nói là 200.000 đồng. Người ta sợ làm chứng lắm các đồng chí ạ. Nguy hiểm kinh khủng”.

Còn mức 900.000 phụ cấp hội thẩm, ông Bình khẳng định không phải là “bốc thuốc”. “Chi cho luật sư chỉ định là 750.000, ông hội thẩm bỏ phiếu phải chịu trách nhiệm sinh mạng chính trị của người ta, vậy thì thôi hơn ông luật sư chỉ định không phải chịu trách nhiệm gì một chút. Anh phải bỏ phiếu cho người ta đi tù thì cao hơn ông luật sư chỉ định, đề xuất là 900.000”, Chánh án giải thích.

Đồng ý quy định phụ cấp xét xử của hội thẩm, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần điều chỉnh tên gọi của pháp lệnh vì phụ cấp cho hội thẩm không phải là chi phí tố tụng.

TANDTC cần giải thích vì sao phụ cấp xét xử lại tăng lên 10 lần như thế, ông Tùng đề nghị.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý ban hành pháp lệnh, tạo điều kiện cao nhất cho cả cơ quan tố tụng và người dân, nhưng cơ quan trình cần báo cáo lại phạm vi điều chỉnh, nhất là chi phí về tố tụng hình sự, nếu có thì có đến đâu. Nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và thông qua trong phiên họp tháng 1/2024.

Xem thêm: lmth.448533tsop-gnod-000009-nel-00009-ut-maht-ioh-auc-ux-tex-pac-uhp-gnan-taux-ed/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Đề xuất nâng phụ cấp xét xử của hội thẩm từ 90.000 lên 900.000 đồng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools