Theo Đài NBC News, theo nghiên cứu mới được công bố hôm 12-12 trên Tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học phát hiện sức nóng từ cháy rừng nghiêm trọng có thể gây biến dạng kim loại lành tính, thường được tìm thấy ở đất California, thành chất gây ung thư khét tiếng: crom-6.
Ở dạng hóa trị 3, crom tương đối vô hại và có nhiều. Nhưng nghiên cứu mới cho biết với nhiệt độ cao hơn 199⁰C có thể xúc tác cho các phản ứng hóa học biến crom-3 thành dạng cực nguy hiểm crom-6.
Phát hiện mới này bổ sung thêm một hiểu biết bước ngoặt: các vụ cháy rừng đang bùng cháy ở các khu vực tự nhiên cũng có thể thải khói chứa kim loại độc hại vào khí quyển.
Tác giả của nghiên cứu, Scott Fendorf, giáo sư khoa học hệ thống trái đất tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết: Cháy rừng thường cháy nóng hơn và lâu hơn, có nhiều khả năng biến đất vô hại thành bụi và tro gây ung thư.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, crom-6 là chất gây ung thư nhóm một, có nghĩa nó sẽ gây ung thư ở người. Việc tiếp xúc với một lượng lớn crom-6 có liên quan đến ung thư phổi.
Trong một nghiên cứu trên chuột tiếp xúc với crom-6 trong nước uống, qua 2 năm một số con đã phát triển khối u ở miệng, ruột non và gan.
Các nhà nghiên cứu đã đến những địa điểm xảy ra cháy rừng ở dãy bờ biển phía Bắc của California, bao gồm vụ cháy Kincade năm 2019 và vụ cháy Hennessey năm 2020, để tìm kiếm crom-6.
Họ đã thu thập tổng cộng khoảng 38 lõi đất từ cả hai địa điểm rừng bị đốt cháy và những địa điểm chưa bị đốt cháy.
Kết quả, họ đã tìm thấy crom-6 tại nơi cháy rừng bùng phát dữ dội, nhất ở các cây bụi mọc ở những khu vực có đất “rắn” tương đối giàu kim loại.
Các nhà nghiên cứu tin rằng crom-6 có thể di chuyển trong khói cháy rừng, thổi như bụi sau khi đám cháy đã tắt và tồn tại trong nhiều tháng sau đó.
Ủy ban Tài nguyên không khí California năm 2023 đã thông qua quy định loại bỏ dần crom-6 tại các cơ sở công nghiệp.
Crom-6 là một chất cực độc gây ô nhiễm nổi tiếng. Nó là hóa chất trung tâm trong vụ kiện tập thể được mô tả trong bộ phim “Erin Brockovich” về ô nhiễm crom trong nước ở Hinkley, California - nơi kim loại này được sử dụng để chống ăn mòn trong tháp giải nhiệt nước tại trạm nén khí tự nhiên.
Khoảng 600 cư dân Hinkley đã thắng vụ kiện ban đầu trước Pacific Gas & Electric Co. (PG&E) với số tiền bồi thường 333 triệu USD. Theo hãng tin AP, sau đó PG&E đã trả thêm 315 triệu USD để giải quyết các vụ kiện khác cũng liên quan đến crom-6
TTO - Hạn hán tác động bởi biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến hơn 8.000ha rừng bị thiêu rụi hoàn toàn ở bang California, Mỹ trong đợt cháy rừng được ghi nhận lớn nhất trong năm.