Đây là mục tiêu tỉnh Cà Mau đặt ra tại hội thảo xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm trong sự kiện Festival tôm.
Từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp Cà Mau đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành vùng nuôi tôm được cấp chứng nhận hữu cơ, sinh thái trong nước và quốc tế, với sự tham gia của 7 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm với sản lượng hằng năm đạt khoảng từ 8.000 - 10.000 tấn.
Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết Cà Mau có tiềm năng và lợi thế riêng để phát triển ngành hàng tôm nhưng vẫn có nhiều "nút thắt" cần nhanh chóng tháo gỡ, trong đó có liên kết chuỗi.
"Đa phần các hộ nuôi tôm ở Cà Mau đều nhỏ lẻ, chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Năng lực của các chủ thể trong liên kết chưa thực sự mạnh, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp tác", ông Sử nói.
Trước những "nút thắt" đã được nhận diện, nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng cần có giải pháp đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Trong đó hợp tác xã làm nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu làm chủ đạo, từng bước nâng cao tỉ lệ giá trị sản phẩm ngành tôm thông qua hình thức liên kết sản xuất, góp phần phát triển nhanh, mạnh, bền vững ngành tôm Cà Mau trong thời gian tới.
Bên cạnh đó phải tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau.
Phát triển sản xuất gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm Cà Mau đa dạng, đặc sắc trên thị trường thế giới và trong nước.
Cà Mau cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng tôm của tỉnh một cách hiệu quả, bền vững; ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực theo quy mô lớn.
Đồng thời xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc cho ngành hàng tôm, tiến tới chứng nhận nhản hiệu sản phẩm của địa phương và các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành hàng tôm. Từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu.
Cà Mau có hơn 280.000 hecta nuôi tôm, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Sản lượng tôm nuôi chiếm 22% tổng sản lượng cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau đạt hơn 1 tỉ USD, chiếm 30% giá trị xuất khẩu tôm cả nước.
Ngành tôm Cà Mau chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Ngành tôm chi phối đến đời sống của hơn 50% dân số toàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hơn 350.000 lao động trong tỉnh.
Sự kiện mang tầm khu vực Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 được khai mạc và thu hút hàng ngàn người tham gia.