Công an tỉnh Đồng Nai vừa hoàn thành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 11 bị can về tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (phường Tân Biên, TP Biên Hòa, Đồng Nai).
Theo kết luận điều tra, Lương Minh Tú (43 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D) cùng 2 cựu Phó giám đốc là Lê Sơn Tuyền (52 tuổi) và Trần Đức Duy (43 tuổi) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Trong kết luận điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai chỉ rõ từ khoảng năm 2020, Lương Minh Tú chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên tại trung tâm đăng kiểm của mình giới thiệu chủ phương tiện đến trung tâm đăng kiểm.
Tại đây, ngoài số phí phải đóng theo quy định, các xe đăng kiểm có lỗi không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường phải đưa thêm tiền để đăng kiểm viên sử dụng các thủ thuật bỏ qua. Để được bỏ qua, các chủ xe phải nộp thêm từ 100.000 đồng đến 700.000 đồng/xe.
Để quản lý việc chia tiền đúng thực tế, các đăng kiểm viên giao cho một thành viên ghi chép lại số tiền đã nhận trong ngày. Việc ghi chép thường ghi vào tờ giấy trắng, rồi hủy bỏ sau khi chia tiền ngay trong ngày làm việc, không có chứng từ, sổ sách theo dõi.
Kết luận điều tra cũng nêu rõ, quy trình kiểm định xe cơ giới tại Trung tâm 60-04D sẽ qua 5 công đoạn, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, gồm: kiểm tra nhận dạng, tổng quát; phần trên của phương tiện; hiệu quả phanh và trượt ngang; môi trường và phần dưới của phương tiện.
Để bỏ qua các lỗi của xe đã chung chi, các đăng kiểm viên thường không thực hiện đúng quy định, quy trình kiểm định mà sử dụng các thủ đoạn làm sai lệch kết quả kiểm định.
Theo nguyên tắc, ở công đoạn kiểm tra môi trường, đăng kiểm viên sẽ khởi động xe, đạp ga liên tục 4 lần để máy đo ghi nhận mức độ khí thải, đưa ra thông số kỹ thuật, sau đó đối chiếu với thông số kỹ thuật tiêu chuẩn để kết luận đạt hay không đạt.
Tuy nhiên, với các xe quen biết, đăng kiểm viên sẽ làm sạch ống xả bằng cách gõ vào ống xả rồi đạp ga mạnh trước khi đưa xe vào máy đo. Họ có thể đạp ga từ từ cho đến khi có kết quả đạt hoặc dùng tay che một phần máy đo để hạn chế tiếp xúc với khí thải của xe.
Đối với nội dung kiểm tra phanh, theo quy định, khi đưa xe vào vị trí kiểm tra sẽ cho chạy trên bàn thắng rồi đạp phanh để máy đo đưa ra thông số kỹ thuật, sau đó đối chiếu với thông số tiêu chuẩn để kết luận đạt hay không đạt.
Nhưng với các xe đã "làm luật", nhân viên đăng kiểm sẽ điều chỉnh cho bánh xe sát vào máy đo để tăng ma sát, dùng thêm phanh tay hoặc cài số lùi để đưa ra kết quả đạt. Trường hợp đã sử dụng các cách thức trên nhưng không có kết quả, đăng kiểm viên dùng xe cùng trọng lượng có phanh đạt tiêu chuẩn, để đưa vào đo thay.
Tương tự, ở khâu kiểm tra đèn bằng máy, nếu thông số đèn chiếu sáng không đạt, đăng kiểm viên sẽ sử dụng kết quả đo của đèn đạt cho cả hai đèn; hoặc sử dụng kết quả đo đèn của xe khác. Còn ở công đoạn kiểm định bằng mắt thường như gầm, đèn xi nhan thì các đăng kiểm viên sẽ cho đạt với các xe đã đưa tiền, bỏ qua các lỗi như đôn nhíp, ốc vít lỏng, đèn mờ, cơi nới thùng xe tải (từ 20 đến 30cm)...
Quá trình điều tra Tú khai đã nhận hối lộ 500 triệu đồng để bỏ qua các lỗi đăng kiểm (trước đó thừa nhận 1,9 tỷ đồng).
Công an Đồng Nai nhận định, hành vi của các đăng kiểm viên gây nguy hiểm cho xã hội, mất an toàn giao thông, có sự thống nhất chặt chẽ giữa các thành viên, diễn ra liên tục trong thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương...