Tuy nhiên, những phụ phẩm khác, trong đó có vỏ lụa hạt điều vẫn chưa được quan tâm đúng mức và tận dụng triệt để.
Vỏ lụa hạt điều vẫn bị coi là phế phẩm
Ngành điều Việt Nam nói chung và thủ phủ điều Bình Phước nói riêng đã và đang có những bước tiến nhảy vọt. Công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây điều đã cho ra mấy chục loại sản phẩm, kể cả các loại phụ gia để làm bánh kẹo, sữa…
Vỏ hạt điều cũng đã được một số doanh nghiệp dùng để làm nguyên liệu tạo ra dầu điều. Tuy nhiên, vỏ lụa hạt điều vẫn chưa được tận dụng triệt để.
Là thủ phủ cây điều, Bình Phước chiếm hơn 40% tổng sản lượng điều thô của toàn quốc. Các doanh nghiệp điều của Bình Phước đa số chú tâm phát triển chế biến hạt điều, phần vỏ lụa rất ít được tận dụng. Tại riêng tỉnh này, mỗi năm ước tính có hơn 1.000 tấn vỏ lụa hạt điều được tạo ra.
Trước thực trạng này, tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều hội thảo, họp xét để chọn ra các đề tài khoa học nhằm tìm lối ra cho vỏ lụa hạt điều; nâng tầm giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Tháng 5-2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM triển khai thực hiện đề tài khoa học "Nghiên cứu tách chiết và thu nhận cao chiết giàu dẫn xuất catechin có hoạt tính sinh học của cao từ vỏ lụa hạt điều phế phẩm tại Bình Phước, ứng dụng tạo sản phẩm chức năng".
Nhóm tác giả đề tài sẽ ứng dụng vỏ lụa hạt điều theo hướng công nghệ y dược, mỹ phẩm nhằm nâng cao giá trị cây điều. Từ đó tạo thêm thu nhập cho doanh nghiệp cũng như người nông dân trồng điều. Xa hơn là mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương trong lĩnh vực kinh tế ngành điều.
Các nhà khoa học và thành viên hội đồng đánh giá cao tính mới, tính khả thi của đề tài khi ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, cần xây dựng quy trình tách chiết cụ thể. Bên cạnh đó, phải đưa ra thành phần công thức của sản phẩm khi hoàn thiện.
Doanh nghiệp tỉnh nhà sẵn sàng thực hiện
Anh Nguyễn Hoàng Đạt - phó chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước - cho biết hiện nay đa số các doanh nghiệp chế biến điều thô và điều thành phẩm đều không tận thu vỏ lụa hạt điều. Thay vào đó, các doanh nghiệp, nhà máy sẽ bán phụ phẩm này cho đơn vị thứ 3 để làm các viên nén, chất đốt…
Giá của vỏ lụa hạt điều thô khá cao, có thời điểm đạt 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nếu các doanh nghiệp có thể tự chế biến sâu, tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao sẽ rất có lợi ích cho cả doanh nghiệp, công nhân và nông dân.
"Chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào việc chế biến sâu, ứng dụng vỏ lụa hạt điều để tạo ra các sản phẩm nếu được chuyển giao công nghệ một cách bài bản. Đa số các thành viên trong hiệp hội điều, trong các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đều mong muốn có thể tự sản xuất, chế biến nhân hạt điều cũng như các phụ phẩm.
Tuy nhiên, chúng tôi cần có sự phối hợp, liên kết giữa 4 nhà để đảm bảo việc chuyển giao công nghệ đúng, nguyên liệu đầu vào chuẩn cũng như tìm được đầu ra cho sản phẩm", anh Đạt chia sẻ.
Ở một số quốc gia trên thế giới, vỏ lụa hạt điều được ứng dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, bột màu và một số loại sơn, làm viên nén, chất đốt… Vỏ lụa hạt điều cũng được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm do giá thành rẻ, và chúng vẫn có một số thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trâu, bò…
Ngoài ra, nguyên liệu này cũng được ứng dụng là một trong những phụ gia để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Tại Việt Nam, đa số vỏ lụa được tận dụng làm chất đốt hoặc bị bỏ đi; chỉ một số ít ứng dụng làm phân bón. Những cách làm này khiến cho giá trị kinh tế của vỏ lụa hạt điều thấp và dễ gây ô nhiễm môi trường.