Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Trong khuôn khổ lần này, các ban, bộ ngành, địa phương hai nước đã ký 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việt - Trung cũng ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Đánh giá sau chuyến thăm này, TS Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Yusof Ishak Singapore, nói một trong những ưu tiên chính của hai bên là hợp tác, phát triển kinh tế, đặc biệt trong phát triển hạ tầng liên kết, năng lượng và kinh tế số.
Đầu tư hạ tầng thực tế là lĩnh vực mở ra nhiều cơ hội cho hai nước. Báo cáo của World Bank, IMF gần đây chỉ ra, một trong những khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong trung, dài hạn là thiếu hụt nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics, năng lượng xanh. Trong khi đó, Trung Quốc mạnh cả về vốn lẫn đang dẫn đầu về công nghệ ở những mảng này.
Theo ông Khắc Giang, Việt Nam và Trung Quốc trước đây có một số vấn đề chưa thống nhất được về nguồn vốn rót vào lĩnh vực hạ tầng. "Chúng ta có những yêu cầu, quan điểm nhất định liên quan đến quản lý vốn đầu tư, công trình, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng như lựa chọn nhà thầu", ông nói.
Tuy nhiên, hai nước gần đây đã có một số tín hiệu tích cực về hợp tác đầu tư. Tại Diễn đàn cấp cao "Vành đai và Con đường" vừa qua, Việt Nam đã nêu rõ những lĩnh vực cần vốn, công nghệ. Còn Trung Quốc cũng có những động thái trong thay đổi quan điểm đầu tư. Đơn cử, thay vì tập trung vào những dự án lớn, giá trị hàng tỷ USD, nước này chuyển sang những dự án quy mô nhỏ, khả năng thu hồi vốn cao hơn.
"Đây là những động thái tạo bước đệm khiến các bên xích lại gần nhau hơn, tìm được tiếng nói chung. Những dự án quy mô vừa phải sẽ giúp giảm bớt tâm lý dè dặt của nước đi vay về lo ngại bẫy nợ hay tăng thêm nợ công", ông Giang nói. Ngoài ra, vốn Trung Quốc cũng sẽ là nguồn lực lớn, bổ sung cho tham vọng thực hiện được cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050. "Khi có mục tiêu lớn như vậy, cần mở rộng cánh tay để lựa chọn thêm những nguồn vốn".
Điều này đã được cụ thể hóa hơn trong Tuyên bố chung đưa ra chiều 13/12. Hai bên cho biết sẽ thực hiện tốt "Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Hai nước cũng thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tuyến Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp. Việc thúc đẩy kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới cũng sẽ được đẩy nhanh. Lãnh đạo hai nước cũng kêu gọi doanh nghiệp Việt - Trung triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng đường bộ, cầu, đường sắt, điện sạch, viễn thông, logistics.
Ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại Trung ương), đánh giá: "Việt Nam đủ thông minh để tính toán sử dụng vốn Trung Quốc như thế nào". Theo ông, điều quan trọng là phải rút ra kinh nghiệm từ các nước đã làm ăn với Trung Quốc cũng như từ những công trình tại Việt Nam.
Không chỉ vốn từ hạ tầng, nhìn chung, FDI của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh tới đây.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, dự báo FDI Trung Quốc sẽ tốt hơn nữa trong 2024- 2025 khi mối quan hệ hai nước ngày càng bền chặt.
"Trung Quốc mỗi năm đầu tư ra bên ngoài hàng trăm tỷ USD nhưng lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chưa đáng kể", ông nói. Theo quan sát của ông, hiện doanh nghiệp hai bên đã sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao thay vì những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày như trước.
Thực tế, trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã chủ động tăng khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Wingtech - Nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc cam kết tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. Tập đoàn Goertek vừa đầu tư thêm 1 dự án mới với số vốn 280 triệu USD và mở rộng một dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh.
"Sự thay đổi của Trung Quốc phù hợp với sự chuyển đổi của Việt Nam, từ những ngành thâm dụng lao động, chuyển sang các ngành công nghệ cao", GS Nguyễn Mại nói. Trước một số nghi vấn tiêu cực về vốn đầu tư Trung Quốc, ông Mại cho biết, cần nhìn nhận khách quan. Bởi, việc một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để lách luật là có, nhưng đại đa số doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam là muốn tìm cơ hội đầu tư, làm ăn lâu dài.
Hiện lũy kế đến 20/10, Trung Quốc duy trì vị trí nhà đầu tư lớn thứ 6 với tổng vốn đăng ký đạt 26,5 tỷ USD.
Bên cạnh đầu tư, thương mại - lĩnh vực vốn là điểm nhấn truyền thống trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước - cũng dự kiến có những bước tiến dài.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này. Dưa hấu là loại trái cây tiếp theo sẽ được nhập chính ngạch vào Trung Quốc, theo Nghị định thư ký giữa hai nước lần này.
Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu. Ngược lại, Việt Nam sẽ tăng nhập cá tầm từ Trung Quốc, trao đổi và thúc đẩy lĩnh vực, nghề liên quan phát triển lành mạnh.
Hai nước cũng nhất trí áp dụng các biện pháp để mở rộng quy mô thương mại song phương cân bằng, bền vững. Các biện pháp đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, Hữu Nghị để tăng hiệu suất thông quan cũng được hai nước đồng thuận thúc đẩy.
Như vậy, nhiều khả năng cán cân thương mại chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể từng bước rút ngắn. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, đầu năm, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 60,2 tỷ USD vào năm 2022. Một năm trước, mức này là 54 tỷ USD. Thời điểm 2008, mức thâm hụt chỉ bằng một phần năm.
Trong khi đó, ở tầm vi mô, các doanh nghiệp Việt sẽ càng lúc càng có lợi khi được tiếp cận thị trường tỷ dân. Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit từng so sánh, lượng hàng xuất đi cả năm sang các thị trường như EU, Singapore, Nhật, Hàn chỉ bằng 2 ngày khi xuất sang Trung Quốc.
TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), nói Trung Quốc là thị trường lớn, dân số đông, nhu cầu tiêu dùng nông sản thực phẩm rất lớn, đặc biệt là rau quả trái cây nhiệt đới. Số liệu của đơn vị này cho biết, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 8 tỷ USD năm 2015 lên 14 tỷ USD năm 2022. Trong 8 tháng đầu năm nay, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng này đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 3,2%.
Không chỉ là thị trường tiêu thụ quan trọng, Trung Quốc còn là nơi cung cấp hàng chục tỷ USD hàng hóa, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
"Ngành sản xuất của Việt Nam có mối liên hệ rất lớn với Trung Quốc. Nếu không kết nối được bền chặt với nước này, Việt Nam khó vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu", TS Nguyễn Khắc Giang đánh giá. Do đó, việc cung ứng hàng hóa giữa hai nước được thuận lợi sẽ là động lực thúc đẩy ngành sản xuất của Việt Nam.
Năm ngoái, khi nước này phải phong tỏa diện rộng vì Covid-19, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam như dệt may (với 70% nguyên phụ liệu được nhập từ Trung Quốc), hay điện tử, đã bị chậm tiến độ giao hàng do nguồn cung gián đoạn.
"Thế giới đang liên kết với nhau nên không có nước nào làm được mọi thứ mà không có sự hỗ trợ từ nước khác", ông Quang nói thêm.
Việc tăng cường hợp tác giữa hai nước được các chuyên gia đánh giá là có lợi ích cho cả hai, chứ không chỉ Việt Nam.
"Vị trí địa lý của Việt Nam với địa chiến lược của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng, Trung Quốc luôn nhìn nhận được điều này", ông Nguyễn Vinh Quang đánh giá. Việt Nam được đánh giá là có vị trí địa lý độc đáo, là cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN và là quốc gia quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc và khối này.
Đồng thời, Việt Nam còn là nước thứ hai ở ASEAN có Hiệp định thương mại tự do với EU. Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định CPTPP mà Trung Quốc muốn tìm cách gia nhập. Tháng 9 vừa qua, Việt Nam và Mỹ cũng đã nâng cấp cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
"Việt Nam giống như cửa ngõ để Trung Quốc tiếp cận với các nước trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường vẫn tiếp tục trong thời gian tới", ông Giang nói và ví von điều này như "một van xả áp".
Phương Ánh
Đồ họa: Tất Đạt