Chiều 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
11 nội dung đã có trong chương trình phải chuyển sang 2024
Năm 2023, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tính đến tháng 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Đã tiến hành 16 phiên họp, trong đó có 10 phiên họp thường kỳ, 1 phiên họp chuyên đề pháp luật, 2 phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp thứ 6, kỳ họp thứ 7 và 3 phiên họp khác...
Bên cạnh đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết còn một số hạn chế, trong đó đến tháng 12-2023 vẫn còn 11 nội dung đã có trong chương trình công tác năm 2023, nhưng chưa được xem xét, phải chuyển sang năm 2024.
Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ cụ thể còn một số nội dung chưa bảo đảm thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phải lùi so với dự kiến (do các cơ quan trình không chuẩn bị kịp tài liệu).
Việc ban hành một số văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết nội dung được giao trong luật còn chưa bảo đảm tiến độ đề ra trong chương trình công tác, chưa bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật.
Ông Cường cho rằng nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên là do việc nghiên cứu, đề xuất, cho ý kiến về các nội dung trong chương trình công tác năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa được các cơ quan quan tâm và dành thời gian thỏa đáng.
Dẫn đến nội dung đề xuất thiếu tính dự báo, trong quá trình triển khai cụ thể thường xuyên phải đề xuất bổ sung, điều chỉnh.
Về dự thảo nghị quyết chương trình công tác năm 2024, ông Cường cho biết về nguyên tắc xây dựng dự thảo nghị quyết, tuân thủ đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó là trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đưa vào rồi nhưng trong quá trình họp lại vẫn rút ra, đưa ra
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc điều chỉnh chương trình là đương nhiên bởi dự kiến và thực tiễn là khác nhau.
Song ông tán thành với các ý kiến cho rằng "chúng ta điều chỉnh quá nhiều", thậm chí hằng tháng, chứ chưa nói đến năm hay quý.
"Đưa vào rồi nhưng trong quá trình họp lại vẫn rút ra, đưa ra. Việc này là trách nhiệm của các đầu mối, các ủy ban... cần rút kinh nghiệm để phối hợp với các cơ quan của Chính phủ.
Sau này phải kiểm điểm lại theo từng tháng. Bao nhiêu đầu việc chậm, phải thay đổi do bộ phận nào chịu trách nhiệm", ông Huệ nói.
Ông dẫn chứng ngay cả vấn đề về tài chính ngân sách - những việc "như trở bàn tay nhưng vẫn sát sàn sạt mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội" và dẫn đến lại phải điều chỉnh chương trình.
"Vừa rồi Quốc hội rất quyết liệt vấn đề này và nói không ra làm sao cả. Nói thật là muối mặt rồi Chủ tịch lại đứng ra xin lỗi", ông Huệ nói thêm.
Ông đề nghị các ủy ban của Quốc hội cần rút kinh nghiệm, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ "tuy hai mà một" cần gần gũi, đốc thúc, nhắc nhau... vì thời gian qua cứ toàn ngồi chờ thôi.
"Tôi đề nghị năm 2024 phải siết lại việc này. Cứ hy sinh một vài việc này để truy cứu trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan để chậm trễ. Phải cương quyết vấn đề này...", ông Huệ nhấn mạnh.
Ông nêu thêm cần rà soát lại để xem xét nội dung nào chắc chắn đưa vào chương trình, nội dung nào không đưa. Đồng thời, đề nghị cần tăng cường kỷ luật kỷ cương và các ủy ban phải bám sát các nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp chưa ban hành nghị quyết vội, mà tổng thư ký làm việc với các ủy ban để duyệt lại, thận trọng từng đầu việc một, đưa vào kỳ nào để đáp ứng yêu cầu và phải đôn đốc thì mới tăng cường được kỷ luật, kỷ cương.
Ông nhấn mạnh thể chế, pháp luật không thể làm ẩu, làm bừa, nên phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trước hết là các ủy ban của Quốc hội...
Về phiên họp tháng 1-2024, ông đề nghị cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)... Nếu các nội dung này không kịp, không đảm bảo thì lùi lại đến kỳ họp gần nhất.
Trong trả lời đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM), Thủ tướng đã chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại vẫn còn nhiều.